Multimedia Đọc Báo in

Lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ tại xã Hòa Phú

08:45, 16/10/2015
Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) là xã giáp ranh với huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông), gần với Khu Công nghiệp Hòa Phú, lại nằm dọc theo đường Hồ Chí Minh rất thuận lợi để người dân phát triển các ngành, nghề dịch vụ. Các hoạt động mua bán ở đây cũng diễn ra ngày càng nhộn nhịp kéo theo tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi mua bán, đậu đỗ xe gây mất ATGT.

Theo thống kê, trên địa bàn xã có khoảng 200 hộ dân kinh doanh buôn bán, hầu hết đều vi phạm hành lang an toàn giao thông (HLATGT) đường bộ, các chủ hộ kinh doanh tận dụng tối đa vỉa hè để trưng bày sản phẩm; biển quảng cáo to nhỏ được dựng lên với mật độ dày đặc, các loại phương tiện dừng, đỗ tùy tiện làm cho lòng đường trở nên chật hẹp, tầm nhìn bị che khuất. Mọi hoạt động buôn bán của người dân đều diễn ra dọc theo các lề đường, thậm chí giữa lòng đường, nhiều đoạn đường qua trung tâm xã còn bị các hộ dân biến thành sân phơi nông sản hoặc bãi tập kết máy móc, nguyên vật liệu xây dựng. Chưa kể, một số hộ làm dịch vụ sửa chữa, rửa xe cho nước thải xả tự do ra mặt đường, gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đã có trường hợp người dân đi qua điểm rửa xe, đường trơn bị té, gãy tay chân, hư hỏng phương tiện…

Tháo dỡ  biển quảng cáo đặt trong phạm vi HLATGT đường bộ.
Tháo dỡ biển quảng cáo đặt trong phạm vi HLATGT đường bộ.

Trước thực trạng đó, cuối tháng 8-2015, xã Hòa Phú đã triển khai các giải pháp nhằm lập lại trật tự HLATGT đường bộ trên địa bàn, trong đó ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền người dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, địa phương cũng yêu cầu Ban quản lý chợ Hòa Phú bố trí, sắp xếp lại vị trí mua bán nhỏ lẻ trước cổng chính của chợ, tuyệt đối không để các tiểu thương kê đặt quầy sạp, bày bán hàng hóa vi phạm HLATGT.

Để hoạt động kinh doanh của các hộ tiểu thương dần đi vào nền nếp, trên cơ sở rà soát, thống kê, phân loại các công trình vi phạm HLATGT, xã đã tiến hành đồng thời nhiều giải pháp như tuyên truyền, vận động bà con tiểu thương tự nguyện tháo dỡ các biển hiệu, bảng quảng cáo, các công trình kiên cố vi phạm HLATGT đường bộ… Sau 1 tháng triển khai (từ 20-8 đến 20-9), phần lớn các hộ dân đã nghiêm chỉnh thực hiện, tự nguyện tháo dỡ các công trình vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ cố tình không chấp hành, nên từ 20 đến 30-9, xã phối hợp với Chi cục quản lý đường bộ III.5 và Ban ATGT tỉnh ra quân giải tỏa các điểm buôn bán kinh doanh, dịch vụ lấn chiếm HLATGT đường bộ, các biển quảng cáo lắp đặt trái phép và một số cây cối trên vỉa hè, lề đường che khuất tầm nhìn, gây cản trở giao thông…

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chi cục quản lý đường bộ III.5 cho biết, tình trạng vi phạm HLATGT đường bộ diễn ra phổ biến, đặc biệt ở các tuyến đường nội thị, khu vực đông dân cư, khiến việc lập lại trật tự HLATGT đường bộ gặp không ít khó khăn, nhất là lúc tiến hành giải tỏa, cưỡng chế. Vì vậy để tình trạng lấn chiếm HLATGT đường bộ sau giải tỏa không tái diễn, lực lượng thanh tra sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiếp tục kiểm tra ngăn chặn, xử lý kịp thời, nếu cố tình vi phạm sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp với các địa phương, nhất là khu vực TP. Buôn Ma Thuột lần lượt ra quân giải tỏa các vị trí vi phạm HLATGT đường bộ.

Theo khoản 3, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định sẽ phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi họp chợ, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo trên lòng đường đô thị, hè phố, gây cản trở giao thông; theo khoản 6 Nghị định trên sẽ phạt tiền từ 10-15 triệu đối với cá nhân, từ 20-30 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 20 m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe; dựng biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ không được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc