Multimedia Đọc Báo in

Những kết quả tích cực trong công tác xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật trên địa bàn tỉnh

16:17, 19/12/2015
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến 2020, công tác xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Công tác xây dựng văn bản trên địa bàn tỉnh đã có những đổi mới quan trọng và chuyển biến đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Hằng năm, các văn bản QPPL đã được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật đã được quan tâm, chú trọng thực hiện, qua đó, đã kịp thời phát hiện những nội dung không phù hợp để có hình thức xử lý thích hợp, bảo đảm tính hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giúp UBND tỉnh sửa đổi, đơn giản hoá các thủ tục hành chính theo hướng loại bỏ những khâu trung gian, những giấy tờ không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp đến quan hệ, giao dịch. Công tác theo dõi thi hành pháp luật đã được triển khai sâu rộng, thường xuyên đến các cơ quan chuyên môn các cấp; đồng thời gắn công tác theo dõi thi hành pháp luật với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong quá trình theo dõi thi hành pháp luật, tập trung vào những lĩnh vực có nhiều bức xúc, được dư luận quan tâm. Thông qua hoạt động theo dõi thi hành pháp luật đã phát hiện nhiều quy định của pháp luật còn sơ hở, khiếm khuyết, chồng chéo, không rõ ràng, không thống nhất, là một trong những nguyên nhân dẫn tình trạng vi phạm pháp luật trong thực thi, làm giảm sút hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở các địa phương. Từ đó đã có kiến nghị xử lý đối với các quy định bất cập, kiến nghị các biện pháp để bảo đảm điều kiện thực thi pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng thực thi pháp luật ở địa phương.

Cán bộ Phòng CSGT - Công an tỉnh tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ tại buôn Đrang Phốk, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). Ảnh: Thế Hùng
Cán bộ Phòng CSGT - Công an tỉnh tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ tại buôn Đrang Phốk, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). Ảnh: Thế Hùng

Một kết quả quan trọng nữa là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn tỉnh được chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng như: thông qua các hội nghị, lớp tập huấn, buổi tuyên truyền, tổ chức cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, tuyền truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngày Pháp luật... Đặc biệt, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã hướng mạnh về cơ sở, chú trọng các đối tượng là nông dân, học sinh, người dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo; chú trọng các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã củng cố, phát triển các kênh thông tin, diễn đàn để tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến của người dân trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác này. Việc phát triển các đội ngũ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng là người nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh được quan tâm; qua đó, đã thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hàng nghìn vụ việc, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ở tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế, như: chất lượng công tác lấy ý kiến góp ý các dự thảo văn bản QPPL chưa đồng đều, còn hình thức, cơ quan soạn thảo chưa chú trọng lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, mà chủ yếu tập trung lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan; vẫn còn tình trạng văn bản ban hành nhưng chưa qua thủ tục thẩm định của cơ quan tư pháp cùng cấp; tình trạng vi phạm về thẩm quyền ban hành văn bản QPPL vẫn còn diễn ra; trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản QPPL vẫn chưa chú trọng đến việc rà soát, đối chiếu với quy định của cấp trên và của cơ quan Nhà nước cùng cấp; đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật vừa thiếu vừa yếu, việc bố trí, sử dụng công chức làm công tác pháp luật có lúc, có nơi chưa phù hợp với trình độ đào tạo, dẫn đến hiệu quả thực thi nhiệm vụ không cao...

Nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 48-NQ/TW đề ra, trong thời gian tới, thiết nghĩ các cấp, các ngành của tỉnh cần có định hướng, nội dung, giải pháp thiết thực. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật để việc thực thi pháp luật tại địa phương ngày càng hiệu quả; tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm các quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Chú trọng vào công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để bảo đảm tính kịp thời, có hiệu quả; bảo đảm tốt các điều kiện về nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất cho công tác tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường rà soát, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, không để tình trạng dân bức xúc khiếu nại đông người; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng để nâng cao ý thức, thay đổi hành vi của tổ chức, cá nhân trong việc tự giác tuân thủ pháp luật. Tăng cường hướng mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở…

Nguyễn Thị Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.