Multimedia Đọc Báo in

Giúp phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng: Hiệu quả thiết thực từ một chương trình đậm tính nhân văn

09:27, 15/12/2015

Sinh năm 1990 tại buôn Brah, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar), Y Ta Môn Niê học đến lớp 7 thì nghỉ học ở nhà làm nông phụ giúp gia đình. Đến năm 2008 trong giây phút bốc đồng, anh đánh nhau gây thương tích cho người khác và bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị TAND tỉnh tuyên án phạt tù 6 năm. Trong thời gian chấp hành án phạt tù tại Trại giam Đắk Tân, với sự giáo dục, động viên của cán bộ quản giáo, Y Ta Môn nhận ra lỗi lầm, cải tạo tốt, được sự khoan hồng của Nhà nước đã ra tù sớm trở về với gia đình và người thân. Thời gian đầu khi mới trở về, Y Ta Môn vẫn còn mang nhiều mặc cảm, nhưng rồi được sự động viên của người thân, anh đã hòa nhập với cộng đồng, chăm chỉ làm ăn. Một niềm vui bất ngờ đến với Y Ta Môn khi đầu năm 2015 anh được Huyện Đoàn Cư M’gar cho vay vốn không tính lãi với số tiền 20 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Khởi nghiệp”. Cùng với số vốn tích lũy được và sự hỗ trợ của gia đình anh đã mạnh dạn mở tiệm cơ khí, nhôm, kính phục vụ bà con. Đến nay cửa tiệm của anh hoạt động tương đối ổn định, nhận được nhiều đơn đặt hàng của bà con trong buôn...

Các y bác sĩ khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho phạm nhân  tại Trại giam Đắk Tân.
Các y bác sĩ khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho phạm nhân tại Trại giam Đắk Tân.

Y Ta Môn Niê là một trong những trường hợp thanh niên mãn hạn tù trở về với cộng đồng được vay vốn từ nguồn Quỹ “Khởi nghiệp” để làm ăn, ổn định cuộc sống. Trong những năm qua, thực hiện Chương trình phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh và hai trại giam Đắk Tân, Đắk Trung đã luôn phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục cho phạm nhân và các đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Sau khi ký kết kế hoạch phối hợp năm 2012, Hội LHTN Việt Nam tỉnh và hai trại giam đã tổ chức chương trình giao lưu với phạm nhân xung quanh chủ đề “Hướng tới ngày mai”, tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin”... với nhiều nội dung phong phú: giao lưu văn nghệ, hoạt động nhóm, nói chuyện chuyên đề cảm xúc, viết thư gửi gia đình của phạm nhân, chiếu phóng sự giao lưu đối thoại với thanh niên hoàn lương tiêu biểu. Các đơn vị phối hợp tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tuyên truyền cho phạm nhân về tác hại của ma túy và công tác phòng, chống HIV/AIDS với 250 phạm nhân trong độ tuổi thanh niên đang chấp hành án tại hai trại giam Đắc Trung, Đắk Tân.

Công tác giáo dục chung, giáo dục riêng, giáo dục cá biệt cũng được hai trại giam quan tâm, làm cho phạm nhân chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, ăn năn hối cải với hành vi phạm tội của mình, quyết tâm học tập cải tạo tiến bộ để sớm được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước; khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, là người có ích cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, hằng năm hai trại tổ chức dạy nghề cho 900 phạm nhân trong độ tuổi thanh niên với các ngành nghề như: mây tre đan, đồ mỹ nghệ, cơ khí, xây dựng, mộc... giúp họ sau khi chấp hành xong án phạt tù có một nghề nhất định để ổn định cuộc sống. Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp đã có nhiều phạm nhân chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định, trong đó có 15 thanh niên chấp hành xong án phạt tù trong tỉnh trở về địa phương được tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế, trong đó có nguồn vốn “Khởi nghiệp” của Hội LHTN Việt Nam tỉnh hỗ trợ vay không lãi suất cho 7 thanh niên hoàn lương trên địa bàn tỉnh với số tiền trị giá 150 triệu đồng.

Phạm nhân Nguyễn Kế Huy đang chấp hành án tại phân trại số 1, Trại giam Đắk Tân tâm sự: “Trong môi trường cải tạo của Trại giam Đắk Tân, phạm nhân chúng tôi được tham gia lao động học nghề dưới sự hướng dẫn ân cần, nhiệt tình của cán bộ quản giáo với các lớp hướng nghiệp như: làm lông mi giả, bóc tách hạt điều, nghề mộc, xây dựng, mây tre đan, đóng giày dép, trồng rau quả sạch an toàn... Bên cạnh đó, ban giám thị, hội đồng cán bộ trại giam luôn quan tâm đến sức khỏe của phạm nhân. Hằng năm trại phối hợp với các cơ quan, bệnh viện tuyến trên để kiểm tra sức khỏe định kỳ cho phạm nhân; thường xuyên tổ chức cho phạm nhân sinh hoạt văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao. Trại cũng đã đầu tư một nhà đọc sách với nhiều đầu sách dạy về kỹ năng sống, sách nông nghiệp, chăn nuôi, kỹ thuật sửa chữa..., đây là nguồn tài liệu để phạm nhân chúng tôi tham khảo, học hỏi để tăng thêm kiến thức. Qua lao động, học tập cải tạo, phạm nhân chúng tôi được rèn luyện sức khỏe, tiếp thêm ý chí, nghị lực, quyết tâm hơn trên con đường hướng thiện, làm lại cuộc đời...”.

Lời tâm sự của phạm nhân Nguyễn Kế Huy đã phần nào phản ánh được những hiệu quả cùng ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà chương trình phối hợp đem lại. Có thể nói, việc tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù là hết sức khó khăn, đòi hỏi phải được chuẩn bị tốt từ các hoạt động giáo dục, trang bị kiến thức, tâm thế, thái độ, thói quen hành vi ngay từ trong trại giam và tạo được điều kiện thuận lợi khi họ trở về với cộng đồng. Vấn đề phối hợp trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân cũng như giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng là rất quan trọng và cần thiết, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Trong thời gian tới, với lễ ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2020 giữa Hội LHTN Việt Nam tỉnh và hai Trại giam Đắk Tân, Đắk Trung vừa được diễn ra cùng nhiều nội dung, kế hoạch hoạt động cụ thể, tin tưởng rằng chương trình sẽ tiếp tục tạo nên những tiền đề vững chắc để phạm nhân an tâm, có điều kiện thuận lợi hơn khi trở về làm lại cuộc đời.

 Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.