Multimedia Đọc Báo in

Phổ biến thông tin chưa kịp thời: Người dân ồ ạt kéo nhau đi đổi giấy phép lái xe dịp cuối năm

08:43, 23/12/2015

Theo quy định của Bộ GTVT, tất cả giấy phép lái xe (GPLX) các hạng bằng vật liệu giấy đều phải chuyển đổi sang vật liệu nhựa. Tuy nhiên, do số lượng GPLX bằng giấy lớn, trong khi việc phổ biến các thông tin liên quan đến  lộ trình của cơ quan chức năng chưa kịp thời dẫn đến tình trạng quá tải, ùn tắc tại các điểm chuyển đổi.

Trước đó, theo quy định tại Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT, ngày 7-11-2012 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, lộ trình đổi GPLX đối với hạng A4 và ôtô từ hạng B1 trở lên đến 31-12-2015; GPLX hạng A1, A2, A3 cấp trước năm 2003 là đến 31-12-2016; GPLX hạng A1, A2, A3 cấp từ năm 2003 sẽ bắt đầu nhận đổi từ năm 2016 đến cuối năm 2020. Sau đó Bộ GTVT ra Thông tư 58/2015/TT-BGTVT ngày 20-10-2015 có nhiều điểm mới, góp phần giảm tải cho các điểm thực hiện đổi GPLX. Cụ thể, theo Điều 57 Thông tư này, GPLX hạng A4 và ôtô các hạng phải thực hiện chuyển đổi trước 31-12-2016, lùi thời gian thêm 1 năm so với quy định trước đó. Đối với các GPLX không thời hạn (hạng A1, A2 và A3) phải chuyển đổi trước 31-12-2020. Có nghĩa quy định tại Thông tư 58 không chia nhỏ lộ trình như Thông tư 46 đối với việc chuyển đổi GPLX mô tô các hạng. Thông tư 58 cũng nêu rõ, sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi nêu trên, nếu không thực hiện, người có GPLX bằng giấy bìa phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX.

Người dân xếp hàng chờ đổi GPLX tại Sở GTVT.
Người dân xếp hàng chờ đổi GPLX tại Sở GTVT.

Thông tư 46 được ban hành hơn 4 năm nay, song ít người dân “nắm bắt” được lộ trình chuyển đổi. Trong khi đó, Thông tư 58 cũng được ban hành hơn 2 tháng nay, song đến đầu tháng 12-2015, Sở GTVT mới có văn bản số 1812/TB-GTVT ngày 9-12-2015 thông báo cụ thể về lộ trình chuyển đổi gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng và UBND huyện, thị xã, thành phố dẫn đến tình trạng ồ ạt kéo nhau đi đổi GPLX vì sợ phải sát hạch lại. Qua khảo sát thực tế tại các điểm đổi GPLX, đa số người dân không hề hay biết về thông tin lùi thời gian chuyển đổi, nhất là người dân ở các huyện. Chị Hứa Thị Ban (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) cho hay, cả ngày chị đến đổi GPLX tại Sở GTVT, hồ sơ đã viết xong xuôi, nhưng đông quá nên lúc nào cũng hết số thứ tự, không đổi được. Điều đáng bàn ở đây, đa số người dân đều không nắm được việc giãn thời gian đổi GPLX của Bộ GTVT nên mới xảy ra tình trạng người người, nhà nhà đua nhau đi đổi. Cùng đi với chị Ban, em Nguyễn Thị Hiền (thị xã Buôn Hồ) chia sẻ, nghe mọi người trong thôn truyền tai nhau nếu không đổi GPLX sang mẫu mới trong năm 2015, sang năm 2016 phải thi lại, trong khi tháng 12-2015 chỉ còn mấy ngày nữa là hết tháng nên em tranh thủ đi đổi cho kịp. Khi đến điểm đổi chật cứng người chen chúc nhau, mất một ngày em vẫn chưa đổi được giấy phép. Đến Sở GTVT em mới đọc được thông báo lộ trình đổi GPLX mô tô hết năm 2020 mới kết thúc.

Quan sát tại điểm đổi GPLX thuộc phòng một cửa Sở GTVT cho thấy, mỗi ngày có hàng trăm người dân đến làm thủ tục. Trong tháng 12-2015, con số này tăng lên bất thường, thậm chí có ngày có khoảng 600 người. Đó chỉ là số người đến làm thủ tục được cơ quan cấp, đổi nhận hồ sơ theo số thứ tự bốc thăm, còn con số thực tế sẽ lớn hơn, vì rất nhiều trường hợp đến làm thủ tục nhưng hết số thứ tự buộc phải quay về. Ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng Phòng Vận tải (Sở GTVT) cho biết, từ tháng 11-2012 đến hết tháng 11-2015, Sở đã thực hiện đổi được hơn 37.000 GPLX hạng A4 và ôtô các hạng, còn lại 13.900 giấy phép; 69.350 GPLX mô tô, còn lại 592.458 giấy chưa đổi. Như vậy, theo lộ trình quy định của Bộ GTVT thì từ năm 2016, trung bình mỗi tháng Đắk Lắk phải chuyển đổi được trên 1.100 GPLX ôtô và GPLX hạng A4, và 10.000 GPLX mô tô các hạng. Trong khi đó, với số lượng nhân lực như hiện nay (Sở phải huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên khối văn phòng, bảo vệ, giữ xe của cơ quan), mỗi tháng cũng chỉ đáp ứng đổi được từ 1.000 – 1.500 GPLX các loại. Với số lượng GPLX chưa chuyển đổi còn lại rất lớn, nếu theo lộ trình quy định, Đắk Lắk khó hoàn thành.

Để góp phần giảm tải cho điểm chính (phòng một cửa Sở GTVT), Sở đã bố trí cán bộ, nhân viên phối hợp với Bưu điện tỉnh, Cư M’gar và Krông Pắc triển khai công tác này. Theo đó, tại phòng một cửa và Bưu điện tỉnh thực hiện đổi GPLX cho người dân các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần theo giờ hành chính; thứ 2 và thứ 3 đổi tại Bưu điện huyện Cư M’gar; thứ 4, 5 và 6 đổi tại điểm Bưu điện huyện Krông Pắc. Số lượng GPLX còn lại chưa thực hiện chuyển đổi sang vật liệu mới rất lớn, Sở GTVT dự định mở thêm các điểm đổi để tránh tình trạng quá tải, tuy nhiên hiện nay đơn vị đang “bí” nguồn nhân lực.

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.