Multimedia Đọc Báo in

Quản lý nhân công tạm trú mùa cà phê

16:10, 19/12/2015

Thời gian này đang là cao điểm của việc thu hoạch cà phê nên các địa phương trong tỉnh đón nhận một lượng lớn lao động từ nơi khác đến tạm trú hái cà phê thuê. Trước tình hình đó, chính quyền các địa phương cũng đang tập trung cao độ công tác kiểm tra, đăng ký, quản lý người tạm trú…

Mùa thu hút nhân công

Tại địa bàn xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) những ngày này đang có một lượng lớn lao động từ nơi khác đến thu hái cà phê thuê, trong đó phần lớn là người ngoại tỉnh. Anh Lê Hữu Khanh quê ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có đất đai canh tác nên quanh năm vợ chồng anh đều phải đi làm thuê làm mướn mà cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu hoạch cà phê, vợ chồng anh lại gửi con nhỏ cho bà nội ở quê để lên Đắk Lắk hái cà phê thuê kiếm chút tiền ăn Tết. Theo anh Khanh, mặc dù đây là công việc thời vụ nhưng cũng cho thu nhập khá, mỗi ngày công, trừ chi phí ăn ở, anh được trả 170 nghìn đồng. Thời gian làm việc mỗi ngày cũng khá thoải mái, buổi sáng từ 7 - 11 giờ, chiều từ 13 - 17 giờ. Ước chừng sau hơn 2 tháng hái cà phê thuê, vợ chồng anh dành dụm được khoảng 10 triệu đồng để về quê có thêm vốn làm ăn.

 Nhân công thu hái  cà phê thuê.  (Ảnh minh họa)
Nhân công thu hái cà phê thuê. (Ảnh minh họa)

Có mặt tại xã Ea Tân (huyện Krông Năng), chúng tôi gặp nhiều người lao động ở các tỉnh miền Trung, và địa bàn khác trong tỉnh đến đây làm công thu hoạch cà phê. Anh Trần Quốc Huy, quê ở huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) cho biết, thời điểm này ở ngoài quê anh mới gieo cấy xong vụ lúa đông xuân nên công việc đồng áng tương đối rảnh. Nhóm của anh gồm 8 người cùng làng tranh thủ lên đây kiếm thêm thu nhập. Do có kinh nghiệm nhiều năm trong việc hái cà phê nên nhóm của anh Huy chọn hình thức nhận hái khoán theo sản phẩm, cứ mỗi tạ cà phê hái được thì nhận 70 nghìn đồng. Anh Huy hồ hởi khoe: “Trung bình mỗi người chúng tôi kiếm được 200 nghìn đồng/ngày sau khi trừ các chi phí ăn ở. Ngoài ra chủ vườn còn hỗ trợ thêm thức ăn nên mọi người trong nhóm đều vui vẻ”.

Có thể nói, hằng năm, cứ vào mùa thu hoạch cà phê, tiêu, các nhà vườn trong tỉnh cần số lượng rất lớn lao động thời vụ. Từ đó, đã tạo cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động phổ thông trong và ngoài tỉnh với thu nhập khá. Nếu người lao động siêng năng làm đều công thì bình quân mỗi tháng cũng có thể kiếm được từ 4 - 5 triệu đồng.

Nỗ lực quản lý người tạm trú

Ông Mai Văn Hòa, Trưởng công an xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, một trong những nỗi lo thường trực mỗi vụ niên vụ cà phê là nạn trộm cắp. Riêng năm nay, tình trạng trộm cắp cà phê đã được ngăn chặn khá hiệu quả nhờ địa phương thắt chặt quản lý nhân khẩu từ nơi khác đến tạm trú hái cà phê. Ngoài việc kêu gọi, nhắc nhở các hộ dân thực hiện đầy đủ việc đăng ký tạm trú cho người lao động thời vụ thì lực lượng công an xã cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh đó, hiện nay, hầu hết các thôn, buôn trong xã đều thành lập các tổ tự quản do chính người dân làm thành viên, chia nhau túc trực ngày đêm tại các rẫy, nên việc bảo vệ tài sản khá hiệu quả. Niên vụ cà phê năm nay không còn tình trạng mất trộm cà phê như những năm trước nữa.

Tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) việc đăng ký tạm trú cho người hái cà phê thuê từ nơi khác đến cũng được thực hiện khá nghiêm túc. Ông Y Trư Krông, Phó trưởng công an xã cho biết, mùa thu hoạch cà phê hằng năm đều thu hút khoảng 500 - 600 nhân khẩu từ nơi khác đến địa bàn. Những năm trước, việc kiểm soát, đăng ký tạm trú cho các đối tượng này còn chưa quyết liệt, nhiều gia đình không thực hiện nghiêm nên khi xảy ra tình trạng người hái cà phê gây gổ đánh nhau, hoặc trộm cắp cà phê rất khó xử lý. Khi lực lượng công an xã đến hiện trường thì nhân công đó đã bỏ trốn khỏi địa bàn, chủ nhà thuê mướn không biết rõ lai lịch và công an xã cũng không có căn cứ để xử lý. Năm nay, công an xã đã có biện pháp quyết liệt, thông báo rộng rãi đến từng thôn buôn, và được bà con hưởng ứng nhiệt tình, tự giác đến đăng ký tạm trú đầy đủ cho nhân công nhà mình. Từ đầu niên vụ đến nay trên địa bàn chưa có trường hợp nào trộm cắp cà phê hay nhân công gây mất an ninh trật tự…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.