Multimedia Đọc Báo in

Cần nghiêm cấm tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong bán đấu giá tài sản

07:43, 10/01/2016
Với việc ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4-3-2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (BĐGTS), hoạt động BĐGTS ngày càng đi vào nền nếp và đạt kết quả cao.

Hoạt động BĐGTS đã thu về cho ngân sách Nhà nước nguồn thu lớn từ bán tang vật tịch thu trong các vụ việc hành chính, hình sự mà trước đây không được đấu giá công khai và phải tốn kinh phí lớn để bảo quản, vận chuyển hoặc xảy ra thất thoát, lãng phí trong việc giao quyền sử dụng đất không qua đấu giá... Bên cạnh đó, hoạt động BĐGTS cũng đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết án tồn đọng; giá trị tài sản của những người phải thi hành án tăng lên đáng kể. Thông qua việc BĐGTS công khai, công dân, tổ chức có thể mua hoặc bán được tài sản với giá cả hợp lý, tính an toàn pháp lý cao so với mua bán bình thường.

Tuy nhiên, hoạt động BĐGTS vẫn còn một số điểm còn hạn chế như tình trạng quy định pháp luật về đấu giá tài sản còn chồng chéo, chậm chuyển quyền sở hữu tài sản cho người mua, thông đồng dìm giá thấp, làm giá... Mặc dù đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nhưng hiệu quả đạt được chưa cao, tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Có nhiều nguyên nhân nhưng có nguyên nhân liên quan đến việc giao cho doanh nghiệp hành nghề bán đấu giá được thực hiện chức năng thẩm định giá để xác định giá khởi điểm trước khi đưa ra bán đấu giá.

Hiện nay, theo quy định doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ BĐGTS cũng được quyền BĐGTS. Điều kiện thành lập cũng khá đơn giản, chỉ người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp BĐGTS là đấu giá viên và có trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết khác bảo đảm cho hoạt động BĐGTS. Với quy định này, nhiều doanh nghiệp với chức năng chính là thẩm định giá nhưng vẫn đăng ký thêm hoạt động bán đấu giá để bán đấu giá chính tài sản của mình đã thẩm định giá. Bán đấu giá và thẩm định giá là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, thậm chí hoạt động thẩm định giá đóng vai trò kiểm soát, bảo đảm hoạt động bán đấu giá được khách quan, minh bạch và bảo vệ quyền, lợi ích của bên có tài sản. Tuy nhiên, với quy định cho phép doanh nghiệp thẩm định giá có thể bán đấu giá hoặc ngược lại tổ chức bán đấu giá cũng có thể mở thêm chức năng thẩm định giá đã làm cho nguyên tắc độc lập, khách quan trong công tác thẩm định giá và bán đấu giá mất đi ý nghĩa, bản chất khách quan, minh bạch của nó.

Việc cho phép một doanh nghiệp bán đấu giá được thẩm định giá để xác định giá khởi điểm thực ra chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Quy định như vậy không thể bảo đảm được tính độc lập, khách quan trong hoạt động định giá và bán đấu giá được và rất dễ xảy ra tiêu cực, thông đồng dìm giá làm thất thoát, thiệt hại tài sản của công dân, tổ chức, nhất là đối với tài sản Nhà nước. Khó tránh khỏi hiện tượng: doanh nghiệp bán đấu giá sẽ thẩm định và xác định giá khởi điểm thấp hơn giá trị thực của tài sản để dễ dàng, thuận lợi cho việc bán tài sản và đương nhiên khi tài sản được định giá thấp hơn giá trị thực tế thì nhất định sẽ gây thất thoát tài sản vì có thể bị thông đồng, dìm giá để được mua ở giá thấp. Nếu việc thẩm định giá và xác định giá khởi điểm được triển khai tốt, tài sản được định giá sát, đúng với giá thị trường sẽ phòng ngừa, hạn chế tối đa hiện tượng thông đồng, dìm giá, vì khi đó việc dìm giá để có thể mua tài sản với giá thấp sẽ không có tác dụng nữa.

Do đó, các cơ quan chức năng cần quy định doanh nghiệp không được thực hiện đồng thời hai chức năng là vừa thẩm định giá vừa bán đấu giá. Ngoài yếu tố công khai, minh bạch thì việc độc lập, tách bạch giữa hoạt động thẩm định giá để xác định giá khởi điểm và hoạt động BĐGTS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của việc bán tài sản thông qua đấu giá.

Vĩnh Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.