Multimedia Đọc Báo in

Để nâng cao hiệu quả của tủ sách pháp luật

08:44, 16/01/2016
Tủ sách pháp luật là một kênh thông tin quan trọng, một hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả đến người dân, góp phần từng bước xây dựng ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của nhân dân. Vì vậy, tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, trường học ngày càng được mở rộng, tăng cường về số lượng và chất lượng.

Theo thống kê của Sở Tư pháp, tính tới thời điểm tháng 7-2015 toàn tỉnh có 1.032 tủ sách pháp luật với hơn 157.000 đầu sách (trong đó 568 tủ sách thuộc các cơ quan, đơn vị, trường học ở tỉnh; 251 tủ sách ở các cơ quan, chuyên môn thuộc UBND huyện; 184 tủ sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn; 29 tủ sách ở thôn, buôn, tổ dân phố) với 3 nhóm sách, báo, tài liệu cơ bản gồm: văn bản pháp luật, tài liệu pháp luật phổ thông và sách, báo pháp luật; sách, tài liệu phục vụ cho công tác quản lý, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; sách, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở. Các cơ quan, đơn vị đã bố trí tủ sách pháp luật ở vị trí thuận tiện như: phòng họp, văn phòng, phòng tiếp dân, phòng thủ tục hành chính “một cửa”, hội trường, nhà sinh hoạt cộng đồng... để độc giả chủ động nghiên cứu và tìm hiểu. Hiện nay, có 70% tủ sách pháp luật được quản lý, khai thác có hiệu quả. Hầu hết các tủ sách pháp luật cấp xã đều có nội quy hoạt động, sổ theo dõi. Việc bảo quản tài liệu của tủ sách được cán bộ phụ trách thực hiện khá chu đáo, cẩn thận. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật; cập nhật, bổ sung tài liệu cho tủ sách, thực hiện việc việc luân chuyển sách, tài liệu giữa các loại hình tủ sách; đẩy mạnh việc giới thiệu, tuyên truyền về tủ sách pháp luật và vận động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nghiên cứu, tìm đọc bằng nhiều hình thức phù hợp với đặc thù của từng cơ quan, đơn vị (lồng ghép giới thiệu trong giao ban; sinh hoạt đảng, đoàn thể; sinh hoạt Ngày Pháp luật; trên hệ thống truyền thanh cơ sở)...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như: do sự phổ biến, thông dụng việc truy cập thông tin trên mạng Internet nên kinh phí bổ sung sách, tài liệu cho mô hình tủ sách pháp luật truyền thống phần nào bị hạn chế; việc triển khai mô hình tủ sách pháp luật điện tử đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, gây lúng túng, khó khăn trong việc thực hiện. Bên cạnh đó, đa số cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật đều kiêm nhiệm, chưa đáp ứng yêu cầu như: phải có kiến thức pháp luật, am hiểu nghiệp vụ thư viện..., trong khi đó, quyền lợi, chế độ của cán bộ quản lý tủ sách còn hạn chế nên chưa động viên, khuyến khích cán bộ tận tâm, tận lực với công việc của mình. Tủ sách pháp luật cấp xã chưa thu hút nhiều người dân lao động, người dân chưa có thói quen tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, còn tâm lý e ngại khi đến đọc sách; số lượng tài liệu pháp luật của tủ sách chưa thật sự phong phú, chưa được cập nhật kịp thời nội dung mới; thời gian phục vụ của tủ sách trong giờ hành chính nên không thuận tiện cho người dân lao động...

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của tủ sách pháp luật, thu hút đông đảo bạn đọc đến tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu thông tin trong các tủ sách pháp luật, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn xây dựng mô hình tủ sách pháp luật điện tử trên mạng Internet theo hướng vận dụng linh hoạt là các đơn vị, địa phương được lựa chọn áp dụng mô hình tủ sách pháp luật cho phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị mình. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh cần xác định lại vai trò, phạm vi đối tượng phục vụ của từng tủ sách để đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất, trang bị nhiều đầu sách với nội dung phong phú, sắp xếp theo từng ngành, từng lĩnh vực; tiến hành rà soát các văn bản hết hiệu lực và các văn bản sắp hết hiệu lực thi hành qua các năm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng, khai thác và quản lý tủ sách trong các cơ quan, đơn vị phục vụ cán bộ, công chức, viên chức; đa dạng hóa các nội dung tài liệu có thể là sách hỏi – đáp, xây dựng tình huống về các vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống thường ngày của người dân. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giới thiệu tủ sách pháp luật cho nhân dân…

Hà Thanh Vũ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.