Tăng tốc độ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: Vừa mừng vừa lo!
Ngày 31-12-2015, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Theo Thông tư, kể từ ngày 1-3-2016, tốc độ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư sẽ được tăng thêm 10 km/h so với quy định hiện hành. Nhiều người, đặc biệt là cánh lái xe hoan nghênh, ủng hộ và cho rằng Thông tư này phù hợp với xu thế hiện nay. Theo lý giải của họ, đường sá hiện nay được cải tạo, nâng cấp nên chất lượng mặt đường tốt hơn, rộng và thông thoáng hơn; trong khi đó, phương tiện tham gia giao thông ngày càng được cải tiến với nhiều chi tiết kỹ thuật được thiết kế sắc sảo, hệ thống phanh, điều khiển hiện đại hơn... Hơn nữa, theo khuyến cáo của một số hãng xe máy, ôtô, nếu điều khiển xe chạy với tốc độ chậm sẽ tiêu hao nhiên liệu lớn hơn, sự hao mòn máy móc xảy ra nhanh hơn, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, việc được tăng thêm tốc độ khi lưu thông sẽ giúp nhiều người tiết kiệm được thời gian đi lại, giảm ùn tắc giao thông, giảm được áp lực phương tiện giao thông trên đường…
Tăng tốc độ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ giúp người tham gia giao thông rút ngắn được thời gian hành trình. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo nhiều nỗi lo khi đây là thách thức không nhỏ đối với các lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Bởi theo đánh giá của các cơ quan chức năng, chạy xe với tốc độ cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông; hậu quả của việc điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định cũng hết sức nặng nề…
Vì vậy, khi Thông tư này có hiệu lực, mong sao người tham gia giao thông luôn nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, làm chủ được chính mình trong mọi tình huống, đừng để “Nhanh một phút, chậm cả đời”.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc