Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến sau 5 năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

09:06, 06/05/2016

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua đã được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị tập huấn; biên soạn nội dung, in và phát hành nhiều ấn phẩm tuyên truyền pháp luật; phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng mở các chuyên mục tuyên truyền các quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tổ chức lồng ghép trong các buổi họp, hội nghị, sinh hoạt nhân dân thôn, tổ dân phố, sinh hoạt đoàn thể cho mọi tầng lớp cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh... Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường cũng được quan tâm. Sở Tư pháp đã chủ trì tổ chức Hội nghị tập huấn những vấn đề cơ bản về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; trách nhiệm hoàn trả, kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả; bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và thi hành án… ; phối hợp với Cục Bồi thường Nhà nước thuộc Bộ Tư pháp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách bồi thường ở các sở, ngành, địa phương, tổ chức tọa đàm với chủ đề “Pháp luật về bồi thường nhà nước đối với các thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp”… Cùng với đó, công tác kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm triển khai Luật TNBTCNN được chú trọng. UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện nhiệm vụ tham mưu giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về bồi thường trong phạm vi quản lý. Các sở, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã phân công, bố trí cán bộ chuyên môn đảm nhiệm công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của cơ quan.

Từ ngày 1-10-2010 đến ngày 30-9-2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ việc yêu cầu cơ quan Nhà nước bồi thường. Trong đó, có 1 vụ bồi thường tại UBND huyện Krông Pắc đã giải quyết xong; 1 vụ việc tại xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) người gây ra thiệt hại mới hoàn trả được hơn 17,6 triệu đồng trong tổng số hơn 25 triệu đồng phải hoàn trả; 1 vụ việc tại UBND xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo) người bị thiệt hại đang khởi kiện tại TAND cấp huyện; ngoài ra, còn 3 vụ tại UBND xã Ea Kmút (huyện Ea Kar), UBND xã Ea Nam và xã Ea Ral (huyện Ea H’leo) đã hoàn tất việc bồi thường cho người bị thiệt hại nhưng chưa thực hiện trách nhiệm hoàn trả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế cũng cho thấy một số quy định của Luật TNBTCNN hiện nay còn “gây khó” cho người dân, hạn chế quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại như: quy định về văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ làm căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; quy định về thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu bồi thường; quy định về trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường; quy định về nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại; quy định về thiệt hại được bồi thường; việc cấp phát kinh phí chưa bảo đảm chi trả kịp thời tiền bồi thường cho người bị thiệt hại; quy định về hoàn trả chưa bảo đảm tính răn đe, việc hoàn trả đạt tỷ lệ rất thấp, mức hoàn trả chưa tương xứng với trách nhiệm và kinh phí bồi thường mà Nhà nước đã bỏ ra bồi thường cho người bị thiệt hại… Để khắc phục những khó khăn này, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản quy định trách nhiệm cung cấp thông tin, nhất là cơ chế cung cấp thông tin từ cơ quan, tổ chức gây thiệt hại cho cơ quan được giao nhiệm vụ tham mưu; xây dựng thể chế quy định thống nhất từ Trung ương đến cơ sở về vị trí, chức năng nhiệm vụ, tiêu chuẩn cán bộ; xây dựng chế độ ưu đãi đối với đội ngũ làm công tác bồi thường nhà nước; tăng cường tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về bồi thường nhà nước cho các cán bộ được phân công đảm nhiệm lĩnh vực này...     

Nguyễn Thị Hương

(Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc