Công tác phòng chống cháy nổ tại chợ trung tâm Buôn Ma Thuột
Với phương châm “phòng là chính”, thời gian qua Ban Quản lý chợ Buôn Ma Thuột (Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ Buôn Ma Thuột) đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó kịp thời với những tình huống khi xảy ra hỏa hoạn nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do cháy nổ.
Chợ trung tâm Buôn Ma Thuột được thiết kế theo tiêu chuẩn chợ cấp 1, bao gồm khu chợ B và C. Đây là điểm giao dịch, trao đổi, mua bán các mặt hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân. Chợ tập trung nhiều chủng loại hàng hóa, vật tư, vật liệu dễ cháy, nên nguy cơ xảy ra cháy nổ là rất cao. Chợ hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần, lượng người tham gia mua bán đông đúc nên nếu xảy ra sự cố cháy nổ sẽ dẫn đến hậu quả rất khó lường. Nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ ngay từ cơ sở, Ban Quản lý chợ đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của các tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại chợ trong việc chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Ban Quản lý chợ Buôn Ma Thuột kiểm tra hệ thống máy bơm nước tự động phục vụ công tác PCCC chợ. |
Song song với việc lắp đặt, niêm yết các panô, áp phích, tiêu lệnh phòng chống cháy nổ, các quy định liên quan đến công tác PCCC tại vị trí cổng chợ; tổ chức ký cam kết thực hiện quy tắc PCCC cho các tiểu thương trong quá trình buôn bán, kinh doanh, công tác phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC cũng được tuyên truyền, thông báo đều đặn hằng ngày trên hệ thống loa của chợ. Ngoài ra các tổ trật tự của chợ còn thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, vận động bà con sắp xếp hàng hóa gọn gàng, đúng nơi quy định, không tự tiện cơi nới diện tích quầy hàng, ki-ốt, không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất dễ cháy nổ như xăng dầu, cồn, gas, các loại hóa chất cũng như không đốt nhang đèn, vàng mã…
Chợ có 5 tầng, trong đó tầng 1 và 2 đã đưa vào khai thác, sử dụng, Ban Quản lý chợ quy định những mặt hàng được phép kinh doanh tại từng tầng, cụ thể tầng 1 kinh doanh mặt hàng thực phẩm khô, tươi sống, ngũ cốc…; tầng 2 kinh doanh mặt hàng vải sợi, may mặc, quần áo, giày dép, bánh kẹo, dụng cụ gia đình... Theo quan sát tất cả 690 ki ốt, sạp, quầy đều được sắp xếp, bày biện gọn gàng, thông thoáng, tạo lối đi rộng rãi, dễ dàng cho lực lượng chữa cháy cơ động khi xảy ra sự cố. Tại khu vực ẩm thực, các chủ kinh doanh còn trang bị bình chữa cháy mini nhằm chủ động, sẵn sàng dập lửa khi xảy ra cháy. Anh Phan Văn Tân, chủ một ki ốt kinh doanh mặt hàng bánh kẹo cho biết: “Thực hiện công tác phòng chống cháy chợ, bản thân tôi nói riêng, các tiểu thương nói chung đều chấp hành nghiêm túc, tự giác tuân thủ các quy định về PCCC do ban quản lý chợ đưa ra bởi đây chính là tự bảo vệ tài sản, tính mạng của mình qua việc phòng ngừa, ngăn chặn hỏa hoạn từ cơ sở” .
Bên cạnh đó để công tác PCCC được hiệu quả, bảo đảm chủ động, kịp thời ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra, Ban Quản lý chợ đã thành lập, kiện toàn lực lượng chữa cháy tại chỗ với 27 thành viên, do phó giám đốc chợ làm đội trưởng. Hằng năm lực lượng này được Cảnh sát PCCC tỉnh tổ chức huấn luyện, hướng dẫn nghiệp vụ PCCC, các kỹ năng tham gia cứu nạn cứu hộ. Thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, lực lượng phòng cháy cơ sở chia thành các ca trực, tuần tra khép kín 24/24 giờ, cảnh giác, kịp thời phát hiện hỏa hoạn và dập tắt ngay khi lửa bùng phát, không để lây lan, thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngoài ra Ban Quản lý chợ phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh định kỳ tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại chợ với sự tham gia của nhiều lực lượng. Qua việc tổ chức diễn tập, các phương án chữa cháy hiệu quả trong từng tình huống nhất định được lực lượng phòng cháy cơ sở nắm bắt để không rơi vào thế bị động, bất ngờ khi sự cố cháy xảy ra. Cùng phối hợp với lực lượng PCCC, đội thợ điện của chợ cũng thường xuyên kiểm tra hệ thống dây và các thiết bị điện, kịp thời phát hiện, sửa chữa tình trạng hỏng hóc, rò rỉ, không để phát sinh tia lửa điện, gây sự cố cháy.
Quán triệt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ), Ban Quản lý chợ đã quan tâm đầu tư kinh phí, trang bị máy móc, phương tiện và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị phục vụ công tác chữa cháy. Hiện chợ được trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy, như: hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà, bình chữa cháy bằng khí CO2, 12 lăng vòi Rulo. Ngoài ra để chủ động về nguồn nước, bên cạnh các trụ nước chữa cháy được thiết kế xung quanh, chợ đã đầu tư xây dựng các bể chứa nước lớn, đảm bảo phục vụ công tác chữa cháy khi có tình huống xấu xảy ra.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc