"Cuộc chiến" giữ rừng ở Yok Đôn
Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn là nơi có nhiều loài gỗ quý có giá trị kinh tế cao, đây là một tài sản quý giá phục vụ cho nghiên cứu, bảo tồn, tuy nhiên cũng vì điều này mà lâm tặc đổ dồn về đây để khai thác lâm sản trái phép, khiến cho lực lượng kiểm lâm ở đây phải gồng mình đối phó với tình trạng này.
Theo Giám đốc VQG Yok Đôn Đỗ Quang Tùng, trong khi những khu rừng vùng đệm xung quanh đã bị phá làm nương rẫy hoặc không còn gỗ có giá trị, ngược lại, VQG Yok Đôn vẫn là nơi còn nhiều loài cây, thú quý hiếm có giá trị kinh tế cao giống như một “miếng bánh” ngon còn sót lại, nên lâm tặc nhiều nơi đổ về để tăm tia, tìm đủ mọi cách để vào rừng khai thác lâm sản trái phép. Chính vì điều này, nên dù đơn vị đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhưng để chấm dứt tình trạng khai thác lâm sản trái phép ở đây là điều không dễ, bởi đội quân lâm tặc quá đông, sử dụng nhiều “chiêu thức” phá rừng tinh vi, trong khi lực lượng kiểm lâm có hạn, hiện chỉ có 217 người (còn thiếu 13 người theo chuẩn bình quân 500 ha rừng/người. Thực tế cho thấy, việc quản lý, bảo vệ rừng ở đây chỉ hạn chế một phần tình trạng phá rừng, chứ không thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho rừng.
Xe độ chế thu giữ được ở VQG Yok Đôn. |
Nhìn vào các con số thống kê có thể thấy, VQG Yok Đôn chưa bao giờ được bình yên trước lưỡi cưa của lâm tặc; chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2016, Vườn đã phát hiện và xử lý 114 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 58,4 m3 gỗ, bình quân mỗi ngày có hơn 1 vụ vi phạm lâm luật được phát hiện. Ngoài ra, trong tháng 2 và tháng 3-2016 có 196 cây gỗ bị đốn hạ, bình quân có hơn 3 cây gỗ bị chặt hạ/ngày. Ông Đỗ Quang Tùng dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh Vườn để tận thấy những khó khăn mà đơn vị đang phải đối mặt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ trụ sở hành chính của Vườn chúng tôi di chuyển bằng xe máy đi vào rừng trung tâm của Vườn. Đập vào mắt là những cánh rừng khộp mùa khô trút hết lá chỉ còn lại vô số những thân cây trơ trọi, phía dưới những loài cây nhỏ đã khô cháy để lộ ra những khoảng trống mà các loại phương tiện có thể dễ dàng di chuyển. “Vườn có địa hình tương đối bằng phẳng, phương tiện cũng như người có thể dễ dàng xâm nhập từ nhiều phía nên để chặn đứng người dân vào vườn khai thác lâm sản rất khó”, ông Tùng cho biết. Sau gần 2 giờ di chuyển, chúng tôi đến Trạm kiểm lâm số 1 (VQG Yok Đôn) nằm giáp với địa phận huyện Cư Jút (Đắk Nông). Vùng tiếp giáp với Vườn này không còn rừng nữa mà chủ yếu là nương rẫy của người dân, nên chỉ cần vài phút là đã có thể vào Vườn. Không chỉ riêng khu vực này, VQG Yok Đôn có hơn 300 km chiều dài tiếp giáp với các khu dân cư, đường giao thông, các khu rừng đã chuyển đổi mục đích sử dụng ở đó lâm tặc dễ dàng xâm nhập vào rừng cấm. Chính vì điều này mà những kiểm lâm làm việc ở các trạm quản lý bảo vệ rừng hết sức vất vả. Anh Phan Bá Hoàn, Trạm phó Trạm kiêm lâm số 1 cho hay, ở đây phải thường xuyên mật phục tại những đường mòn lâm tặc hay ra vào mới mong bắt được chúng, thậm chí có những thời điểm lâm tặc hoạt động mạnh, anh em buổi tối phải mắc võng ngủ ở những khu vực có nhiều cây gỗ quý để canh không là bị lâm tặc cưa trộm. Ngoài địa hình bằng phẳng dễ dàng cho các loại phương tiện vận chuyển lâm sản ra vào, một áp lực không nhỏ đối với VQG Yok Đôn - khu rừng có diện tích lớn thứ 2 cả nước (113,8 nghìn ha) là có 7 xã vùng đệm với 90 thôn, buôn, khoảng 50.000 nhân khẩu sống giáp ranh với rừng; đặc biệt, trong đó có 1 buôn với 113 hộ dân sống ở trong vùng lõi của Vườn, đời sống của bà con nhân dân ở những khu vực này còn nhiều khó khăn, sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng. Mùa khô, đất nông nghiệp ở những khu vực này không thể canh tác do thiếu nước, người dân đa phần đều nhàn rỗi, không có việc làm nên đổ xô vào rừng kiếm thêm thu nhập; người nghèo không có tiền mua sắm phương tiện thì đi làm thuê cho các đầu nậu gỗ hoặc tự mình vào rừng gùi từng khúc đem ra bán; có điều kiện hơn thì sắm phương tiện cơ giới vào rừng. “Có lần bắt được một lâm tặc vào rừng chở gỗ, khi đưa về đơn vị để xử phạt anh này chấp hành, khi cán bộ kiểm lâm nhắc lần sau không được tái phạm, anh này tuyên bố: “ Kiểm lâm Vườn bắt thì cứ bắt, còn việc vào rừng thì mình vẫn cứ vào, không vào rừng lấy tiền đâu mà mua gạo nuôi vợ con ở nhà”, anh Nguyễn Hữu Tạo, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn kể lại.
Để từng bước giảm thiểu tình trạng phá rừng trái phép, thời gian qua VQG Yok Đôn đã tăng cường tối đa nhân lực để tuần tra, truy quét lâm tặc, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân vùng đệm về công tác quản lý, bảo vệ rừng; đề nghị với chính quyền địa phương tập trung xử lý những đầu nậu, tụ điểm tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn… Tuy nhiên về lâu dài, theo ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc VQG Yok Đôn các địa phương nằm ở vùng đệm của Vườn cần có nhiều hơn những chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất từng bước giúp người dân sống không còn phải phụ thuộc vào rừng, từ đó mới hạn chế được nạn xâm hại rừng một cách căn cơ.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc