Đi sai phần, làn đường: Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông
Trong thời gian qua, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người điều khiển phương tiện lấn vạch, đi sai làn đường chiếm đến 50% số vụ tai nạn. Đây là một thực trạng đáng báo động…
Theo quy định, trên đường có nhiều làn cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn và chỉ được chuyển làn ở những nơi cho phép, khi chuyển làn phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn. Cụ thể, trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái; phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người tham gia giao thông vẫn không tuân thủ quy định mà nguyên nhân vẫn chủ yếu xuất phát từ ý thức. Phần lớn, người điều khiển phương tiện vẫn tự chọn cho mình một phần đường riêng, đoạn đường nào có khoảng trống, họ sẽ điều khiển theo lối đó, mặc dù vạch kẻ đường rất dễ nhìn thấy. Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông không nắm được các kiến thức về việc đi đúng làn, phần đường. Thậm chí một số trường hợp khi bị lực lượng CSGT tuýt còi ngơ ngác không hiểu mình phạm lỗi gì. Nhiều người chia sẻ rằng, khi đi đường họ chỉ chú ý đến các biển báo như tốc độ, chuyển hướng… mà ít khi chú ý đến vạch kẻ đường.
CSGT Công an TP. Buôn Ma Thuột xử lý một trường hợp vi phạm lấn làn đường. |
Việc đi sai làn đường không những gây nguy hiểm cho người đi đúng làn đường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất cao. Đặc biệt, với quy định mới tại Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT, có hiệu lực thi hành từ 1-3-2016, trong trường hợp các loại xe như ôtô con, xe chở người dưới 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt), xe tải có trọng tải đến 3,5 tấn đang lưu thông trên đường đôi có giải phân cách giữa (ngoài khu vực đông dân cư) với tốc độ cho phép là 90 km/giờ, nếu có xe máy lấn làn đột ngột , dù tài xế có kỳ cựu đến đâu cũng khó mà xử lý kịp tình huống. Đã có không ít trường hợp, do lấn sang làn đường của phương tiện khác dẫn đến xảy ra TNGT nghiêm trọng. Đơn cử, vụ TNGT xảy ra trên tỉnh lộ 8 đoạn qua phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) vào ngày 28-4-2016 giữa taxi BKS 47A-049.89 và xe máy BKS 47M1-6253 , nguyên nhân ban đầu được xác định do taxi lấn làn, quay đầu sai quy định dẫn đến cái chết thương tâm cho người ngồi trên xe máy. Tương tự, vào ngày 30-4, trên đường Đinh Tiên Hoàng (TP. Buôn Ma Thuột) xảy ra 1 vụ TNGT giữa xe khách BKS 47B - 014.40 và xe máy BKS 47L1 – 9417, khiến 1 phụ nữ bị thương nặng phải nhập viện. Thực tế hiện trường cho thấy, xe khách đã đột ngột lấn vạch dẫn đến tai nạn.
Theo báo cáo của Phòng CSGT Công an tỉnh, trong giai đoạn 5 năm (2011-2015), nguyên nhân dẫn đến TNGT hàng đầu là do người điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường. Cụ thể, năm 2011 có 147/293 vụ (chiếm 50,2%); năm 2012 có 136/270 (chiếm 50,4%); năm 2013 có 138/270 (chiếm 51,1%); năm 2014 có 241/510 (chiếm 47,3%) và năm 2015 có 232/475 (chiếm 48,8%). Theo thống kê 3 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh xảy ra vụ TNGT, trong đó 24 vụ do người điều khiển đi không đúng làn đường, phần đường. Từ số liệu đó cho thấy, tình trạng đi sai làn, phần đường diễn ra rất phổ biến. Đặc biệt, đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, phần lớn tai nạn xảy ra do các em không tuân thủ quy định về làn đường, phần đường. Chẳng hạn, năm 2011 có đến 18/24 vụ, năm 2012 có 17/23 vụ TNGT do các em dưới 18 tuổi đi sai làn đường …
Để bảo đảm an toàn, mỗi chủ phương tiện cần nâng cao ý thức chấp hành quy tắc sử dụng làn đường, không nên vì một thói quen, một việc gấp gáp mà có thể chuốc lấy những tai họa khôn lường đến với bản thân hoặc những người xung quanh.
Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP, một số quy định xử phạt liên quan tới vi phạm đi sai làn đường được quy định như sau: đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô: chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước, phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng, nếu vi phạm trên đường cao tốc thì sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng GPLX trong vòng 1 tháng; đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện): chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước phạt tiền từ 80.000 - 100.000 đồng; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe trên hè phố, phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng. |
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc