Multimedia Đọc Báo in

Bẫy thú, súng săn - mối nguy cho rừng Chư Yang Sin

10:23, 17/06/2016

Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin là nơi có hệ động thực vật phong phú đa dạng, trong đó có nhiều loài quý hiếm có giá trị đặc biệt trong công tác bảo tồn nghiên cứu. Tuy nhiên, càng phong phú, quý hiếm bao nhiêu thì càng đặt ra nhiều thách thức cho việc quản lý, bảo vệ bấy nhiêu, đặc biệt là tình trạng săn bắn thú rừng thú rừng trái pháp luật.

Từ đầu năm đến nay, qua công tác tuần tra truy quét lâm tặc, kết hợp với việc tìm kiếm và tháo gỡ bẫy trong khu vực rừng của đơn vị quản lý đã thu giữ được 1.155 dây bẫy, 17 khẩu súng săn. Trước đó, trong năm 2015, đơn vị thu giữ được 1.325 dây bẫy thú các loại, 27 khẩu súng săn.  Điển hình trong số đó vào ngày 10-12-2015, tại tiểu khu 1243 thuộc lâm phần của Vườn đã bắt giữ 3 đối tượng Trần Quốc Dân (SN 1982), Nguyễn Thanh Sang (SN 1981), Âu Văn Tình (1981) cùng trú tại tỉnh Lâm Đồng vào rừng trái phép. Tiến hành kiểm tra, các Kiểm lâm đã phát hiện trong hành lý mang theo của các đối tượng có 1 khẩu súng quân dụng, 15 viên đạn, 10 bẫy sập, 105 sợi dây bẫy. Các đối tượng khai nhận vào rừng để đặt bẫy và săn thú. Hạt Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin đã tiến hành bàn giao đối tượng và tang vật cho Công an huyện Krông Bông để xử lý theo quy định của pháp luật.  Cũng trong khoảng cuối năm 2015, người dân ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông) phát hiện 4 đối tượng đi trên xe máy chở lĩnh kỉnh đồ đạc vào rừng. Thấy dấu hiệu khả nghi, người dân báo cho Kiểm lâm Vườn, qua lời kể của người dân, bằng kinh nghiệm của mình Kiểm lâm Vườn xác định đây là những đối tượng vào rừng săn thú trái phép. Vào ngày hôm sau, một lực lượng hơn 10 kiểm lâm cùng hàng trăm hộ dân nhận khoán được huy động để vào khu vực rừng các đối tượng đã xâm nhập vào trước đó để tìm kiếm bẫy thú. Sau gần một ngày lùng sục từng bụi cây, góc suối, đoàn đã thu và gỡ được một lượng bẫy thú khổng lồ với hơn 700 chiếc dây bẫy. “Với chừng đó dây bẫy dăng kín cả một góc rừng, nếu không kịp thời tháo gỡ thì thú rừng sống ở khu vực này hiếm có cơ may nào để thoát”, ông Lương Hữu Thạnh, Phó Giám đốc VQG Chư Yang Sin nói.

Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin đang gỡ bỏ một bẫy thú trong rừng.
Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin đang gỡ bỏ một bẫy thú trong rừng.

Ở VQG Chư Yang Sin, đặc thù có địa hình nối tiếp nhau bởi những dãy núi cao, việc đi lại khó khăn, nên thứ bẫy mà lâm tặc lựa chọn chủ yếu là bẫy dây bởi loại bẫy này chế tạo đơn giản, giá rẻ, mỗi lần mang được số lượng nhiều. Loại bẫy này có khả năng tận diệt thú rừng hết sức ghê gớm, chúng có thể bắt được những con thú nhỏ chỉ bằng nắm tay cho đến những con thú nặng cả tạ khi thợ săn chỉ cần thay đổi kích cỡ lớn nhỏ của sợi dây bẫy. Việc đặt bẫy dây cũng đơn giản, cánh thợ săn sẽ tìm những nơi có dấu vết đi lại rồi đặt bẫy rải khắp những tuyến đi này, những con thú rừng không may vướng phải thì bị dây bẫy treo ngược lên chờ chết. Ngoài ra, một loại vũ khí cũng gây ra nỗi khiếp sợ cho thú rừng ở đây chính là các loại súng tự chế của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc như súng bắn đạn hoa cải, súng kíp. Những cây súng này có khả năng sát thương ghê gớm vì mỗi lần bắn sẽ phát ra cùng lúc hàng chục viên bi, nên con thú nào hớ hênh không may gặp phải thợ săn dùng loại vũ khí này thì hiếm khi thoát được. Ông Thạnh lý giải nguyên nhân rừng ở đây chưa bao giờ yên: “Vùng đệm của Vườn có hàng chục ngàn hộ dân thuộc các xã  Yang Mao, Cư Drăm, Cư Pui, Hoà Phong, Hoà Lễ, Hoà Sơn, Khuê Ngọc Điền  (huyện Krông Bông), Yang Tao, Bông Krang, Krông Nô, Đắk Phơi (huyện Lắk)… sinh sống. Ở những khu vực này, đời sống của người dân còn khó khăn, thu nhập phụ thuộc vào rừng còn nhiều, trong khi đó, nhu cầu, giá thịt thú rừng trên thị trường tăng cao, chỉ cần săn được con thú cỡ vài kg mang trót lọt ra khỏi rừng bán rẻ cũng kiếm được vài trăm ngàn nên người dân lén lút vào rừng để đặt bẫy, săn bắn cũng là điều dễ hiểu”. Để đối phó nạn săn bắn luôn rình rập thú rừng ở đây, Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin cùng với các hộ nhận khoán thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tổ chức tuần tra, truy quét để ngăn chặn tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ, săn bắn trái phép, đồng thời tiến hành tìm kiếm, tháo gỡ bẫy thú, phá dỡ lán trại của bọn săn trộm ở trong rừng để bảo vệ rừng, sự sống của muông thú. Cũng chính vì vậy mà gần đây, đã có những tín hiệu vui trong công tác bảo tồn khi xuất hiện nhiều dấu vết sinh sản của một số loài thú quý hiếm như gấu, bò tót. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ tình trạng săn bắn Nhà nước cần có thêm những chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển kinh tế ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng gần rừng, từng bước nâng cao đời sống của người dân; chính quyền địa phương trên địa bàn cần tằng cường hơn nữa việc xử lý, ngăn chặn việc chế, tạo sở hữu súng, vật liệu nổ…thì rừng mới được bình yên.      

 Vạn Tiếp 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.