Multimedia Đọc Báo in

Một vùng "tâm bão" của… Phúc Gia Bảo

09:34, 15/06/2016

Buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột có 387 hộ với hơn 80% là người dân tộc Êđê. Từ cuối năm 2015 đến nay cuộc sống của khoảng 50 hộ dân trong buôn bị đảo lộn do nhẹ dạ cả tin góp vốn kinh doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 868, có chi nhánh tại số 02 Mai Xuân Thưởng, TP. Buôn Ma Thuột (Báo Đắk Lắk đã phản ánh trong bài Điêu đứng vì… đa cấp! đăng trên số báo ra ngày 5-6-2016). Lợi nhuận họ chẳng thấy đâu chỉ thấy thêm nợ nần, đã nghèo lại càng thêm khốn khó.

“73 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời, vốn sống không ít ấy vậy mà vẫn còn bị lừa”, bà H’Chơi Knul chua chát. Nghĩ lại bà tự trách mình đã nhẹ dạ cả tin và thêm thương con thương cháu. Tuổi cao sức yếu, lẽ ra được hưởng an nhàn nhưng con cái nghèo khổ, không muốn trở thành gánh nặng, bà vẫn gắng gượng đi mò cua bắt ốc để có đồng ra đồng vào. Công sức 5-6 năm trời sớm hôm mò mẫm, bà gom góp được số tiền hơn 12 triệu đồng, dự tính gửi tiết kiệm phòng lúc ốm đau trái gió trở trời. Có lúc trong nhà không có thức ăn, định bỏ ra ít đồng mua mấy con cá khô bà cũng tằn tiện không dám. Tháng 12-2015, có người của Công ty Phúc Gia Bảo đến mời chào và bày cho bà cách lấy số tiền đó góp vốn với Công ty, sau đó nếu rủ thêm được nhiều người khác nữa cùng tham gia sẽ được thưởng, được hưởng tiền lợi nhuận từ 9 đến 22 triệu đồng. Nghe vậy bà tính, có đem số tiền đang có đi gửi tiết kiệm cũng chẳng biết bao giờ mới có số lãi như thế nên đã quyết định góp vốn. Nhưng suốt từ ngày đó đến bây giờ tiền lãi chẳng thấy đâu, chỉ biết đã mấy tháng nay bà bị đau xương khớp đi lại khó khăn, tiền ăn tiền thuốc cũng không có.

Vợ chồng chị H’Ren và ba đứa cháu mồ côi mẹ.
Vợ chồng chị H’Ren và ba đứa cháu mồ côi mẹ.

Vợ chồng chị H’Ren Bkrông ở trong buôn cũng cám cảnh không kém. Con  gái mắc bệnh suy thận và đã mất, để lại cho họ 3 đứa cháu gái đang tuổi ăn tuổi học, trong đó đứa nhỏ nhất năm nay mới 4 tuổi. Ruộng nương ít hằng ngày hai vợ chồng thay nhau trông nom cháu và đi làm thuê. Đang lúc túng bấn, chị H’Ren và chồng bàn nhau định bán bớt phần đất ở để lấy tiền trang trải nốt số nợ trước đây do vay mượn chạy chữa cho con gái thì có người của Công ty Phúc Gia Bảo đến nói ngon nói ngọt khuyên họ nên đi vay nóng 36,6 triệu đồng rồi góp vốn kinh doanh với Công ty, chỉ một tháng sau đã nhận lợi nhuận 9 triệu đồng, tháng thứ 2 kế tiếp 12 triệu đồng, tháng thứ 3: 16 triệu đồng và tháng thứ 4 trở đi là 22 triệu đồng. Hy vọng có tiền để trang trải nợ nần, có điều kiện chăm các cháu ăn học tốt hơn, vợ chồng chị đã mủi lòng và đi vay toàn bộ 36,6 triệu đồng với mức lãi suất 30 nghìn đồng/1 triệu/tháng. Nhưng từ thời điểm đóng tiền tháng 12-2015 đến nay, họ chẳng nhận được đồng lãi nào. Đáng buồn hơn khi người của Công ty Phúc Gia Bảo đến mời chào lại chính là em gái ruột của chị H’Ren. Tình chị em vì thế mà cũng sứt mẻ, chị H’Ren buồn vì em gái đã lừa gạt mình và nhiều bà con khác trong buôn.

Với chị H’Gin Bkrông, khi góp số tiền 36,6 triệu đồng vào Công ty Phúc Gia Bảo, mẹ con chị nuôi mộng sẽ được đổi đời bởi mức lợi nhuận Công ty đưa ra rất hấp dẫn. Công việc cạo hạt điều cả ngày chị cặm cụi làm cũng chỉ được 25 nghìn đồng thì con số thu nhập tiền triệu mỗi tháng mà Phúc Gia Bảo trả thưởng thực sự là mơ ước của chị và nhiều người khác. Không ngờ nó cũng chỉ là “ước mơ” thật, thậm chí cuộc sống của mẹ con chị còn bi đát hơn từ ngày góp vốn với công ty này. Số tiền 36,6 triệu đồng đi vay nóng chị phải trả với mức lãi suất “cắt cổ” 3 nghìn đồng/1 triệu/ngày, nếu quá hạn 2 tháng không trả lãi sẽ phải chịu mức lãi 5 nghìn đồng/1 triệu/ngày. Số tiền vay chưa trả được đồng nào, chủ nợ đến đòi nợ suốt, có con bò được Nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo họ cũng định xiết nợ nhưng chị phải năn nỉ xin mãi họ mới thôi. Mẹ con chị sống không yên trong ngôi nhà của mình vì thường phải trốn, phải đi lánh tạm khi chủ nợ đến đòi. Chị tính phải bán cả đất cả nhà để trả nợ, nhưng bán rồi thì biết ở đâu!?

Thống kê sơ bộ, khoảng 50 hộ dân của buôn Tơng Jú đã tham gia mạng lưới góp vốn của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 868, có chi nhánh tại số 02 Mai Xuân Thưởng, TP. Buôn Ma Thuột dưới hình thức góp vốn kinh doanh xây dựng chuỗi quán cà phê, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng vật tư nông nghiệp, tour du lịch với số tiền lên đến trên 1 tỷ đồng. Ông Phan Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ea Kao cho biết: Đây là vấn đề nhức nhối với địa phương. Ông Trường cũng mong muốn vụ việc sớm được làm rõ và các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý trước pháp luật những đối tượng đã có hành vi lừa đảo dưới hình thức góp vốn, kinh doanh đa cấp trái phép để giúp người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nêu cao tinh thần cảnh giác, không nên nhẹ dạ cả tin trước những lời dụ dỗ “làm giàu không khó” như của Công ty Phúc Gia Bảo.

 Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.