Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực giảm thiểu tình trạng chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp

09:22, 06/06/2016

Những năm gần đây, Sở Tư pháp đã triển khai nhiều cách làm mới, từng bước giảm thiểu tình trạng chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP).

Theo quy định của Luật LLTP năm 2009 thì thời hạn cấp phiếu LLTP không được quá 15 ngày; thời hạn tra cứu thông tin về án tích tại cơ quan Công an tối đa không quá 9 ngày làm việc phải trả kết quả về Sở Tư pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đa số công dân đến yêu cầu làm LLTP đều có thời gian cư trú ở nhiều tỉnh thành trên cả nước nên ngoài việc thẩm định án tích tại nơi đăng ký thường trú, còn phải xác minh tất cả các nơi công dân đã có thời gian cư trú tính từ khi đủ 14 tuổi trở lên.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phòng Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp), những năm trước đây, việc xác minh án tích, gửi, trả kết quả LLTP đều bằng đường công văn nên nhiều hồ sơ mất rất nhiều thời gian. Chưa hết, không ít trường hợp khi xác minh tra cứu tại cơ quan công an chỉ thấy ghi đương sự bị bắt, bị lập Danh bản vào ngày tháng năm nào đó chứ không có ghi hình thức xử lý. Do đó, Sở Tư pháp phải tốn thời gian xác minh lại xem đương sự có bị điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Luật Tố tụng hình sự hay không. Ngoài ra, có những trường hợp đương sự có tiền án nhưng bản án được xét xử quá lâu (trước 1985) và hồ sơ tại các cơ quan Tòa án không còn lưu trữ, hoặc thông tin trên giấy bị mờ, rách… đã phần nào ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết yêu cầu cấp phiếu LLTP.

Người dân làm thủ tục cấp, trả phiếu LLTP tại Phòng Một cửa, Sở Tư pháp
Người dân làm thủ tục cấp, trả phiếu LLTP tại Phòng Một cửa, Sở Tư pháp.

Để thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu cấp phiếu LLTP, hai năm trở lại đây, Sở Tư pháp đã công khai các thủ tục hành chính này trên trang thông tin điện tử của sở; cấp miễn phí mẫu tờ khai cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đến yêu cầu cấp phiếu LLTP. Đồng thời, việc tiếp nhận yêu cầu cấp phiếu LLTP cũng được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và áp dụng công nghệ thông tin (phần mềm quản lý LLTP dùng chung của Bộ Tư pháp) từ khâu tiếp nhận, xử lý đến trả kết quả… Cách làm mới này đã phần nào làm giảm dần tình trạng chậm cấp phiếu LLTP trên địa bàn tỉnh. Anh Nguyễn Văn Hải (SN 1972) ở thôn 3, xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) là một trong những trường hợp điển hình. Sinh ra, lớn lên và lập gia đình ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) đến năm 2000 anh Hải vào định cư tại Đắk Lắk. Cách đây khoảng 3 năm, anh có đến Sở Tư pháp xin cấp phiếu LLTP để xuất khẩu lao động, thế nhưng phải mất gần 1 tháng Sở mới hoàn tất thủ tục, gửi giấy báo về địa phương nên mất cơ hội trong đợt xuất cảnh đó. Anh Hải cho biết, đầu tháng 5 vừa qua anh cùng một số người dân trong xã lên Sở Tư pháp xin cấp phiếu LLTP và cảm thấy khá hài lòng vì thủ tục tiếp nhận hồ sơ rất nhanh chóng, công tác xác minh thông tin cá nhân dựa trên phần mềm quản lý LLTP của Bộ Tư pháp nên chỉ trong thời gian 8 ngày đã nhận được kết quả.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh cho hay, từ năm 2011 đến hết tháng 3-2016, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 15.489 trường hợp yêu cầu cấp phiếu LLTP. Việc tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu LLTP đã từng bước kịp thời (giải quyết trước hạn bình quân đạt 87%; đúng hạn là 3%). Số trường hợp quá hạn đã giảm dần theo từng năm (năm 2011 là 31,5%, đến năm 2015 chỉ còn 2,4% và trong 3 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ này giảm còn 1,87%). Thời gian tới, dự báo nhu cầu cấp phiếu LLTP trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến, trả kết quả cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhận phiếu LLTP đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức. Mặt khác, để rút ngắn quá trình giải quyết hồ sơ, cải thiện tình trạng trễ hẹn, Sở Tư pháp sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm LLTP quốc gia (Bộ Tư pháp) và Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53 - Bộ Công an) triển khai giải pháp “kiềng 3 chân”, một giải pháp đã thử nghiệm thành công tại một số tỉnh thành trong cả nước. Theo đó, trong một số trường hợp, thay vì chuyển công an các tỉnh xác minh, tra cứu, Sở Tư pháp sẽ chuyển trực tiếp hồ sơ tư pháp đến Bộ Công an và Trung tâm LLTP quốc gia để xác minh rồi chuyển kết quả cho sở… Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, giúp cho các cơ quan Nhà nước giảm áp lực tiếp nhận hồ sơ hành chính tại bộ phận một cửa, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, hướng đến sự phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.