Chuyện những người giữ rừng đặc dụng
Tuần tra bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. |
Tuy không có áp lực lớn về khai thác gỗ trộm như VQG Yok Đôn, nhưng VQG Chư Yang Sin có địa hình núi cao vực sâu hiểm trở nên việc tuần tra, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm ở đây khá gian truân, vất vả. Đến giờ, đã hơn 1 năm trôi qua tôi vẫn nhớ như in chuyến đi tuần tra rừng dài ngày cùng các cán bộ kiểm lâm VQG Chư Yang Sin. Để đến được đỉnh Chư Yang Nia - nơi phân bố của những cây pơ mu đại thụ, đoàn tuần tra phải mất 2 ngày đánh vật với những con dốc cao vời vợi, có những đoạn dốc dựng đứng, bước đi đầu gối chạm mũi, nhưng theo những kiểm lâm ở đây, khu vực này vẫn dễ đi, còn nhiều khu vực hiểm trở hơn nơi này rất nhiều, mà để đến được đó phải mất cả chục ngày. Ở Chư Yang Sin, mỗi chuyến tuần rừng ngắn nhất cũng 3-4 ngày, lâu hơn là 10 ngày. Cuộc sống của kiểm lâm vườn ở rừng nhiều hơn nhà nên mọi người luôn coi đây là ngôi nhà chung cho lực lượng kiểm lâm, ban ngày đi tuần tra, tối căng bạt dựng trại ngủ lại giữa rừng. Anh Nguyễn Minh Đức nhân viên Trạm Kiểm lâm số 3, người có gần 20 năm gắn bó với rừng tâm sự: “Trước đây, nghe đi tuần là sợ đủ thứ: sợ những con dốc vắt kiệt sức, sợ sốt rét, nhưng ăn ở rừng, ngủ ở võng lâu dần thành thói quen, giờ chỉ cần nghỉ phép một thời gian đã thấy nhớ rừng rồi”. Còn anh Nguyễn Viết Trường vẫn nhớ như in chuyến tuần tra vào năm 2009, khi anh tham gia đoàn truy quét lâm tặc từ xã Đắk Phơi (huyện Lắk) sang xã Yang Mao (huyện Krông Bông), dự kiến chuyến đi sẽ mất 8 ngày. Đến ngày thứ 4, anh Trường và một kiểm lâm khác không may bị lạc giữa rừng rậm, hai người cố gắng cắt rừng nhưng mãi vẫn không ra đường, càng đi càng mất phương hướng. Khi đó trong thâm tâm anh nghĩ rằng nếu may mắn “thoát” được khỏi rừng thì chắc sẽ bỏ nghề, không dám bước chân vào rừng. May mắn sau hơn một ngày dò dẫm trong rừng anh đã tìm được lại đoàn, niềm vui vỡ òa trong nước mắt và ý định bỏ nghề cũng tan biến theo.
Đắk Lắk hiện có khoảng 231 nghìn héc-ta rừng đặc dụng, trong đó VQG Yok Đôn 115.000 ha, VQG Chư Yang Sin 59.531 ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô 26.484 ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar 20.575 ha, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước (thủy tùng) 120 ha, Khu rừng lịch sử - văn hóa - môi trường Hồ Lắk 10.200 ha. |
Còn tại Khu bảo tồn thiên nhiêu Ea Sô - nơi được mệnh danh là “xứ sở của bò tót”, mới đây bẫy ảnh lần đầu tiên ghi lại được hình ảnh đàn bò tót 4 con, trong đó có 1 con bò tót nhỏ đang nhởn nhơ ăn cỏ, uống nước tại khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn. Thông tin này thực sự quý hơn vàng đối với những người giữ rừng nơi đây, nó là hình ảnh minh chứng cho những công sức thầm lặng mà họ đã phải bỏ ra để bảo rừng, bảo vệ môi trường sinh sống cho loài động vật đặc biệt quý hiếm này. Bởi công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây cũng chẳng nhàn nhã gì khi thường xuyên phải đối mặt với nạn lâm tặc từ các tỉnh Phú Yên, Gia Lai xâm nhập khai thác lâm sản, săn bắn động vật rừng. Để đối phó với tình trạng này, Khu bảo tồn đã phải lập các chốt chặn ở những “cửa ngõ” vào rừng, cắt cử người túc trực ngày đêm và phải chịu thiếu thốn đủ bề khi không có sóng điện thoại; nước sinh hoạt cũng phải gùi từ bờ sông cách đó hơn 2 tiếng đi bộ; thức ăn chủ yếu là cá khô và rau rừng... Như vậy mới thấy, để giữ gìn được những cánh rừng đặc dụng quý giá, lực lượng kiểm lâm luôn đối mặt với những mối nguy hiểm không chỉ từ thiên nhiên mà có khi từ chính con người, và chỉ có lòng yêu nghề mới giữ họ ở lại rừng…
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc