Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh công tác hòa giải từ cơ sở

11:42, 11/07/2016
Những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình, cộng đồng nếu không được giải quyết sớm có thể dẫn đến hậu quả phức tạp, nhất là khi hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Bởi vậy, công tác hòa giải luôn được các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện, góp phần giữ vững an ninh trật tự từ cơ sở.
 
Ông Huỳnh Xuân Mai, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Cư M’gar cho biết, địa phương hiện có 189 tổ hòa giải với trên 1.500 hòa giải viên. Từ đầu năm đến nay, các tổ hòa giải thụ lý 222 vụ việc, đã hòa giải thành 79 vụ việc, số còn lại đang trong giai đoạn tìm hiểu, xác minh để tiến hành hòa giải. Những năm qua, hoạt động hòa giải cơ sở luôn được triển khai thực hiện khá chu đáo. Mỗi khi xóm làng xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, các hòa giải viên đều khéo léo vận dụng cả lý và tình trong mỗi lần trò chuyện với các đối tượng, việc đơn giản thì áp dụng tình làng nghĩa xóm để giảng hòa, việc căng thẳng hơn thì dùng luật để giáo dục, răn đe... nên có khá nhiều vụ việc xảy ra ở địa phương đều được hòa giải thành. Điển hình như trường hợp của gia đình bà Hồ Thị H. trú tại thôn Tiến Phát (xã Quảng Tiến), do mâu thuẫn vợ chồng dẫn đến xô xát và đòi ly dị. Sau khi nghe chị H. và chồng trình bày sự việc, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng, các thành viên tổ hòa giải đã phân tích đúng sai, thuyết phục, hòa giải hai bên. Từ đó vợ chồng chị H. đã nhường nhịn nhau sống hòa hợp trở lại. Hay như sự việc một số thanh niên ở buôn buôn Tu, xã Ea Tul nảy sinh mâu thuẫn, đánh nhau. Sau khi tìm hiểu sự việc, già làng Y Chơt Niê với vai trò của một hòa giải viên cơ sở và là người có uy tín trong cộng đồng đã gọi các thanh niên lên nhà văn hóa buôn để phân tích đúng sai, giúp họ hiểu và tuân thủ pháp luật, hóa giải mâu thuẫn…
Tổ hòa giải thôn Tiến Phát (xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar) đang tham gia hòa giải  một trường hợp tranh chấp đất trên địa bàn.
Tổ hòa giải thôn Tiến Phát (xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar) đang tham gia hòa giải một trường hợp tranh chấp đất trên địa bàn.
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải cơ sở, thời gian qua, huyện Krông Pắc đã chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải cơ sở, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả. Đến nay, toàn huyện đã thành lập 284 tổ hòa giải ở 16 xã, thị trấn với 1.859 hòa giải viên cơ sở. Định kỳ hằng năm, Phòng Tư Pháp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hoà giải cho các hòa giải viên; cung cấp tài liệu, hướng dẫn nghiệp vụ để phục vụ cho công tác hoà giải; gắn công tác hòa giải cơ sở với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân; lồng ghép hoạt động hòa giải với các phong trào: “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng làng văn hóa ”… Ông Nguyễn Văn Oánh, Trưởng Phòng Tư pháp huyện cho hay, định kỳ hằng quý, Phòng Tư pháp huyện và UBND các xã, thị trấn còn tổ chức các buổi trao đổi nghiệp vụ giữa các tổ hòa giải của địa phương và các xã lân cận để các hòa giải viên có cơ hội trao đổi nghiệp vụ, nâng cao khả năng thuyết trình, kỹ năng xử lý tình huống. Từ đầu năm đến nay, các tổ hòa giải trong huyện đã tổ chức hòa giải gần 200 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, tỷ lệ hòa giải thành đạt 80%…
 
Theo thống kê của Sở Tư pháp, hiện toàn tỉnh có 2.390 tổ hòa giải cơ sở với 13.489 hòa giải viên. Thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, những năm qua, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã ngày càng được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng. Tổ chức của các tổ hòa giải cơ sở cơ bản có đầy đủ các thành phần tham gia như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và những người có uy tín trong cộng đồng... Đây là điều kiện thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động hòa giải. Đặc biệt, khi Luật Hòa giải ở cơ sở được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, hoạt động hòa giải cơ sở tiếp tục được quan tâm và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai luật; thường xuyên cử cán bộ, công chức về cơ sở để kiểm tra công tác tổ chức và hoạt động hòa giải nhằm kịp thời hướng dẫn, xử lý những khó khăn vướng mắc phát sinh. Nhờ đó, những năm gần đây các vụ, việc hòa giải thành hằng năm đạt trên dưới 80%.
 
Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) đánh giá: Có thể thấy, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã khẳng định rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội; góp phần tạo sự đồng thuận và tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Theo ông Hiếu, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, cùng với việc thường xuyên kiện toàn, củng cố hệ thống tổ hòa giải cơ sở và bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên, sở sẽ tiếp tục tham mưu các chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với lực lượng hòa giải viên. Đó là điều kiện quan trọng để công tác hòa giải ở cơ sở có được những hiệu quả bền vững, thực sự đi vào chiều sâu, giúp người dân nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật; từ đó, góp phần giữ ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Lê Thành

Ý kiến bạn đọc