Multimedia Đọc Báo in

Vui buồn nghề luật sư

09:36, 25/07/2016

Nghề luật sư ngày càng giữ vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống và được xã hội đề cao. Những người làm nghề luật đang hàng ngày, hàng giờ thầm lặng góp phần bảo vệ lẽ phải, công bằng cho xã hội.

Luật sư cũng như bất kỳ nghề nghiệp nào khác trong xã hội, để đạt được thành công thì phải nỗ lực phấn đấu, lao động hết mình vì công việc. Nghề luật sư là lĩnh vực lao động trí tuệ đòi hỏi phải có rất nhiều tố chất trong một con người như sự tinh tường về pháp luật, am hiểu về thực tế xã hội, hiểu biết về tâm lý con người, giàu lòng nhân ái và bản lĩnh chính trị vững vàng. Luật sư La Văn Tờn, Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh chia sẻ: Có ba nghề người xưa trân trọng gọi bằng “thầy”, đó là thầy giáo, thầy thuốc và thầy cãi (luật sư). Nhờ có sự tư vấn của người luật sư mà nhiều vấn đề đã được gỡ rối. Nhưng đằng sau vinh quang trong nghề là những khó khăn nhọc nhằn mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được hết. Cũng giống như bất kỳ ngành nghề nào khác, người theo đuổi nghề luật sư muốn tồn tại và có chỗ đứng trong xã hội thì đều phải có cái “tâm” trong sáng. Chữ “tâm” ở đây được hiểu là người thực sự tâm huyết, yêu và hiểu nghề mà mình đang theo đuổi. Họ phải làm việc với tất cả sự nhiệt huyết, trăn trở và trách nhiệm với nghề.

Các luật sư nhận Giấy khen của Đoàn luật sư tỉnh.
Các luật sư nhận Giấy khen của Đoàn luật sư tỉnh.

Chia sẻ về quá trình tiếp xúc và theo đuổi với nghề, luật sư Tờn cho biết, dù mới làm luật sư được 8 năm nhưng có rất nhiều vụ án đã mang lại cho bản thân nhiều cảm xúc. Khoảng năm 2011-2012, anh nhận bào chữa cho một bị can ở huyện Ea Kar, vì vô ý nên tiếp tay trong một vụ án giết người ở huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông). Trong suốt 8 tháng theo dõi vụ việc, anh nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu gia cảnh, nhân thân… của bị can rất kỹ. Sau khi biết hoàn cảnh gia đình này nghèo khó, cha bị can mất sớm… nên anh đã trả lại tiền hợp đồng ban đầu và quyết định bào chữa miễn phí cho gia đình họ. Ngoài ra, nhiều lần anh dùng xe của mình chở gia đình bị cáo xuống Đắk Nông thăm nuôi, động viên người phạm tội. Đến khi tòa xét xử, trên cơ sở pháp luật anh đã đưa ra những chứng cứ, lập luận của mình để giúp bị cáo được giảm án được chấp hành án ở nơi gần với gia đình (trại giam Đắk Trung) thay vì bị giam giữ ở tỉnh Lâm Đồng.

Còn đối với luật sư Vũ Trọng Tâm, Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh thì từ khi chính thức trở thành luật sư (năm 2010) đến nay, đã không biết bao nhiêu lần anh “hòa chung cảm xúc” với những gia đình mình nhận bào chữa. Đó là những lúc vui và hạnh phúc vì những đóng góp của mình giúp bảo vệ được quyền và lợi ích của bị can, bị cáo. Cũng có những lúc buồn vì không đạt được kết quả như mong muốn nhưng người nhà rất thông cảm vì biết mình đã cố gắng hết sức. Theo anh Tâm thì luật sư cũng được xem là nghề nguy hiểm, nhất là trong một số vụ án bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ như giết người, hiếp dâm trẻ em, thì luật sư bào chữa cho bị cáo gặp khá nhiều khó khăn khi gia đình bị hại nhìn luật sư không mấy thiện cảm, thậm chí có lời nói xúc phạm, có hành vi đe dọa... 

Chia sẻ thêm về những khó khăn trong nghề, các luật sư đều cho rằng, mặc dù nghề luật sư đã có những thuận lợi hơn nhiều so với trước kia nhưng vẫn còn khá nhiều rào cản. Đó là trong giai đoạn điều tra, (nhất là đối với các vụ án hình sự mà bị can đang bị tạm giam, tạm giữ) các cơ quan chức năng còn “ngại” và “e dè, không mặn mà” với sự có mặt ngay từ ban đầu của luật sư. Theo các luật sư có nhiều trường hợp bị “làm khó”, bởi sau khi được thân nhân bị can nhờ, luật sư đến đề nghị được gặp bị can, bị cáo thì cơ quan điều tra thường từ chối một cách “khéo léo” là bị can nói “chưa cần luật sư”. Việc từ chối này rất mơ hồ bởi chỉ thông qua lời của điều tra viên, luật sư không được gặp trực tiếp bị can nên không thể biết ý chí thật của họ ra sao? Ngoài ra, các luật sư cũng cho rằng cần thống nhất việc cấp giấy chứng nhận bào chữa  trong suốt giai đoạn tham gia tố tụng khi tham gia các vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. Hiện tại các luật sư phải làm thủ tục để cấp lại giấy chứng nhận bào chữa cho mỗi giai đoạn tham gia tố tụng (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử) nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới tiến trình, hiệu quả của vụ án mà mình tham gia bào chữa…

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.