Multimedia Đọc Báo in

Cần mời luật sư, chuyên gia đầu ngành tham gia soạn thảo, phản biện các văn bản pháp luật

08:29, 06/08/2016

Phản biện xã hội là một trong những hoạt động có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của bất kỳ xã hội nào, đặc biệt là các nhà nước dân chủ, do dân, vì dân như nước ta.

Minh chứng là lịch sử loài người không thể phát triển, thu được nhiều thành tựu, văn minh như ngày hôm nay nếu không có sự phản biện xã hội dựa trên cơ sở khoa học biện chứng duy vật của các nhà khoa học lỗi lạc và hoạt động quan trọng làm tiền đề cho hiệu quả các hoạt động khác của xã hội đó chính là hoạt động xây dựng pháp luật. Mới đây, quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH)... có sai sót là do chúng ta chưa coi trọng, tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia hàng đầu, luật sư có uy tín và tham gia ý kiến rộng rãi từ các tầng lớp nhân dân. Một thẩm phán từng tâm sự rằng khi xét xử rất thích có sự tham gia của luật sư bởi như thế sẽ hạn chế tối đa các sai sót, nhất là về tố tụng như trình tự, thủ tục. Thường thì luật sư nghiên cứu rất kỹ hồ sơ trước khi tham dự phiên tòa để bảo vệ quyền lợi cho một bên nào đó, vì vậy, chỉ cần một sai sót nhỏ các luật sư cũng sẽ phát hiện ra ngay. Trong khi đó, với các thẩm phán áp lực thời gian phải đưa vụ án ra xét xử là rất lớn, mặt khác do án quá nhiều, khối lượng công việc lớn nên đôi khi chưa có thời gian đầu tư, nghiên cứu kỹ bản án cũng như dễ dẫn đến sơ suất, thiếu sót trong quá trình tố tụng.

Trở lại trường hợp trên, nếu trước khi ban hành các cơ quan có thẩm quyền lấy ý kiến rộng rãi người dân, nhất là mời các chuyên gia đầu ngành, luật sư có uy tín phản biện trước ban soạn thảo, cơ quan có thẩm quyền, thậm chí trước Quốc hội ngay trước giờ bỏ phiếu thông qua thì sự việc có thể sẽ khác.

Mặc dù, ở nước ta việc phản biện đã có quy định như Bộ Chính trị có Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16-4-2012, Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013… Tuy nhiên, hoạt động phản biện chưa được coi trọng đúng mức, các ý kiến phản biện chưa được cơ quan chức năng tiếp thu thật sự nghiêm túc, có trách nhiệm, đặc biệt chúng ta chưa có cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện của người dân, chuyên gia một cách khoa học, hiệu quả. Thông thường hiện nay các ý kiến phản biện của các chuyên gia được nêu ra thông qua cơ quan báo chí và một số hội thảo, tọa đàm riêng lẻ. Các ý kiến phản biện chưa được tổng hợp, coi trọng đúng mức.

Thiết nghĩ, bất cứ nước nào, kể cả các nước phát triển có hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện, trình độ phát triển xã hội cao cũng phải thường xuyên bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình. Trong khi hệ thống pháp luật nước ta chưa hoàn thiện, cơ chế phản biện xã hội, lấy ý kiến nhân dân chưa phát huy hiệu quả thì việc tham gia trực tiếp vào các ban soạn thảo hoặc tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, học giả, luật sư có uy tín hàng đầu của đất nước là rất quan trọng. Có như vậy, các quy định pháp luật mới thật sự đi vào thực tế cuộc sống và phát huy vai trò, ý nghĩa tích cực của nó trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội và bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho người dân cũng như góp phần hoàn thiện thể chế, thúc đẩy sự phát triển đi lên của đất nước.

 Vĩnh Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.