Multimedia Đọc Báo in

Chi cục Thi hành án dân sự Krông Bông có làm đúng luật?

06:25, 27/08/2016

Nếu như vợ chồng ông H. tìm hiểu cặn kẽ hơn về pháp luật cũng như TAND huyện Krông Bông hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề phân chia tài sản chung thì sẽ không dẫn đến hậu quả đáng buồn. Bởi, nếu yêu cầu phân chia tài sản chung thì tòa án sẽ giải quyết đến quyền lợi của những người con chưa thành niên của hai vợ chồng…

Theo bản án số 03/2014/DSST ngày 26-6-2014 của TAND huyện Krông Bông thì ông H. (SN 1968) và vợ là bà P. (SN 1970) cùng trú thôn 1, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông phải trả cho bà T. (SN 1971, trú buôn Cư Đrăm, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) số tiền vay nợ là 34.050.000 đồng. Ngoài ra, bà P. phải trả 120.300.000 đồng đã mượn của bà T. từ trước đó. Ngày 2-12-2014, trong bản tự khai (đã được TAND huyện Krông Bông xác nhận) bà P. yêu cầu xin ly hôn, đồng thời tự nguyện giao hết tài sản chung cho ông H. nên TAND huyện Krông Bông chấp nhận cho vợ chồng ông H. ly hôn theo bản án số 06/2015/QĐ-HNGĐST. Về vấn đề tài sản chung, do vợ chồng ông H. không yêu cầu phân chia nên Tòa án không đặt ra giải quyết. Ông H. thừa nhận trách nhiệm nên đã nhiều lần ông tới Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Krông Bông để tự nguyện thi hành án đối với khoản nợ hơn 34 triệu đồng mà vợ chồng ông đã vay của bà T. nhưng Chi cục THADS huyện Krông Bông không chấp nhận mà yêu cầu ông phải có trách nhiệm đối với số tiền hơn 120 triệu đồng mà bà P. đã vay từ bà T.

Tài sản của gia đình ông Hùng phải đem gửi người thân vì ngôi nhà của mình đã bị cưỡng chế.
Tài sản của gia đình ông Hùng phải đem gửi người thân vì ngôi nhà của mình đã bị cưỡng chế.

Theo ông H, thời gian qua, cơ quan THADS Krông Bông đã tự ý rao bán 1 lô đất nông nghiệp có diện tích 805 m2 và tài sản gắn liền trên đất (1 căn nhà có diện tích hơn 141 m2) tọa lạc tại thôn 1, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến ngày 19-7-2016, toàn bộ tài sản trên đã được Chi cục THADS huyện Krông Bông cưỡng chế và giao cho người được thi hành án là T. Bức xúc vì căn nhà duy nhất của mình bị cưỡng chế nên ông H. đã làm đơn khiếu nại đến nhiều nơi với lý do Chi cục THADS huyện đã làm sai luật, bởi số tài sản trên đã được bà P. giao hết cho mình. Ngoài ra, ông H. còn đòi Chi cục THADS huyện Krông Bông phải bồi thường 235 triệu đồng vì đã gây tổn thất về kinh tế, danh dự, tinh thần… đối với gia đình mình. Ông H. bức xúc: “Mình tôi chỉ phải trả hơn 17 triệu đồng (trong khoản vay hơn 34 triệu đồng từ bà T.) vậy mà giờ đây Chi cục THADS huyện Krông Bông đã cưỡng chế ngôi nhà duy nhất của gia đình tôi. Mấy ngày hôm nay tôi phải đi ở nhờ nhà bà con, họ hàng. Nhưng điều lo nhất là 7 đứa con của tôi (con lớn nhất sinh năm 1991, nhỏ nhất sinh năm 2007) biết ăn ở và học tập ở chỗ nào?”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Loan, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Krông Bông cho biết: Để thi hành các bản án, quyết định số 03/2014/DSST ngày 26-6-2014, số 05/2011/DSST ngày 15-8-2011 của TAND huyện Krông Bông và theo đơn yêu cầu của người được thi hành án, Chi cục THADS huyện Krông Bông đã ra các quyết định thi hành án số 11/QĐ-CCTHADS ngày 22-10-2014, số 30/QĐ-CCTHADS ngày 27-10-2014, số 73/QĐ-CCTHADS ngày 8-12-2014. Theo đó, ngoài trách nhiệm phải thi hành án đối với bản án số 03/2014/DSST thì ông H. phải trả hơn 33 triệu đồng cho ông K. (ở thôn 2, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) theo bản án số 05/2011/DSST của TAND huyện Krông Bông và các khoản án phí theo quy định của pháp luật. Sau khi được phân công, Chấp hành viên phụ trách hồ sơ đã thi hành vụ việc đúng trình tự, thủ tục của pháp luật về THADS, đúng nội dung của bản án, quyết định của tòa án và quyết định thi hành án. Theo ông Loan, về vấn đề tài sản chung, do vợ chồng ông H. không yêu cầu tòa án giải quyết nên đây vẫn là tài sản chung. Mặt khác, giả sử tòa án giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng ông H. mà ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ 3 (tức người được thi hành án) hoặc có dấu hiệu của việc tẩu tán tài sản thì Chi cục THADS sẽ có ý kiến để tòa án có hướng giải quyết hợp lý. Ông Loan cũng cho biết thêm, ông H. sẽ nhận được số tiền dư ra sau khi thực hiện hết các nghĩa vụ của mình.

Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk cho rằng Chi cục THADS huyện Krông Bông đã làm đúng quy định của pháp luật. Việc bà P. giao hết tài sản cho ông H. trong bản tự khai không có giá trị pháp lý đối với vấn đề tài sản chung. Còn về việc ông H. và 7 người con rồi sẽ đi đâu về đâu khi căn nhà duy nhất đã bị cưỡng chế thì vị luật sư này cho biết: Theo Khoản 5, Điều 115, Luật Thi hành án dân sự thì trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Nghĩa vụ thi hành án còn lại được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật này. Luật sư này cũng cho rằng, nếu như vợ chồng ông H. tìm hiểu cặn kẽ hơn về pháp luật cũng như TAND huyện Krông Bông hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề phân chia tài sản chung thì sẽ không dẫn đến hậu quả đáng buồn. Bởi, nếu yêu cầu phân chia tài sản chung thì tòa án sẽ giải quyết đến quyền lợi của những người con chưa thành niên của hai vợ chồng…

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Đắk Lắk - Mảnh đất níu chân người
Với những kiến tạo địa chất phức tạp, trải qua hàng triệu năm phong hóa, mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho cao nguyên Đắk Lắk một hệ sinh thái đa dạng, phong phú với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, xinh đẹp, vùng đất trù phú, là quê hương, nơi định cư lâu đời của nhiều dân tộc bản địa và hiện tại cũng là miền “đất hứa” với rất nhiều người…