Đa dạng luật lệ
Công tác phổ biến pháp luật ở những vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống thường được đánh giá là có hiệu quả chưa cao.
Các nguyên nhân được dẫn ra là: do trình độ dân trí thấp, tình trạng người dân không biết chữ, không biết tiếng Việt còn khá phổ biến, do ảnh hưởng của phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào, do đội ngũ cán bộ còn yếu cả về kiến thức, kỹ năng truyền đạt, chưa am hiểu phong tục tập quán đồng bào và do bất đồng ngôn ngữ… Đã có nhiều giải pháp được đưa ra thực hiện để nâng cao hiệu quả tuyên truyền phổ biến giáo dục luật pháp ở những vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, điều quan trọng là có cái nhìn “đa dạng luật lệ” để thấu hiểu được, vì sao và trong những trường hợp nào, việc phổ biến luật pháp không đem lại tác động như người ta mong đợi. Nếu tiếp cận hiện tượng “luật” như là một “hiện tượng xã hội”, có thể hiện diện trong bất cứ nhóm xã hội nào thì khi nói tới luật pháp có nghĩa là nói tới luật của nhà nước, còn luật tục là nói đến luật của cộng đồng dân cư nào đó. Thực chất, cái nhìn “đa dạng luật lệ” cho phép chúng ta nhận thấy mình đang sống trong bối cảnh đa dạng luật lệ mà trong đó, có thể hiểu được, trong những điều kiện xã hội nào sử dụng luật pháp và trong những điều kiện xã hội nào sẽ sử dụng luật tục.
Về sự tiếp nhận luật pháp, ngày nay, người dân tộc thiểu số nhận thức khá rõ về vai trò của luật pháp trong quản lý xã hội. Quá trình giải thể định chế buôn làng đã và đang diễn ra nhưng đối với người dân tộc thiểu số, không gian xã hội quan trọng đối với họ vẫn là không gian buôn làng. Vì vậy, người dân tộc thiểu số không phản đối luật pháp, thậm chí ủng hộ luật pháp nhưng dường như, trong một số trường hợp, luật pháp vẫn còn là một thiết chế khá “xa lạ” đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số. Để giải quyết mâu thuẫn này, một quá trình “luật pháp hóa luật tục” đang được thực hiện: luật pháp dựa vào nội dung luật tục và cơ chế điều chỉnh hành vi của luật tục để trở thành “luật thực tế”. Quy ước của thôn buôn đã được sử dụng bởi chính quyền địa phương như một công cụ tham gia vào quá trình quản lý cộng đồng, trong đó các điều khoản luật tục được xem là tích cực được lồng ghép với luật pháp và những điều khoản trong Quy ước được dùng như nguồn viện dẫn chính trong hoạt động của tổ hòa giải cơ sở.
Trong tương lai, quá trình hiện đại hóa xã hội nơi cộng đồng dân tộc thiểu số diễn ra mạnh hơn sẽ dẫn tới xu hướng người dân tộc thiểu số lựa chọn luật pháp ngày càng phổ biến hơn trong việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn. Nhưng đó là câu chuyện tương lai. Còn hiện nay, việc chính quyền địa phương thừa nhận hiệu lực của việc vận dụng cơ chế điều tiết của luật tục cho thấy việc thực hiện tinh thần “đa dạng luật lệ” là một đòi hỏi khách quan và có thể mang lại hiệu quả thiết thực. Đồng thời, điều này thực sự có ý nghĩa trong việc điều tiết xã hội tại cộng đồng khi mà còn có sự khác biệt giữa các nhóm xã hội trong việc lựa chọn luật tục hay luật pháp để bảo vệ quyền của mình.
Trương Thị Hiền
(Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên)
Ý kiến bạn đọc