Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Quyết liệt ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng

08:42, 09/08/2016

Huyện Cư M’gar có hơn 14.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 7.388 ha rừng tự nhiên, 360 ha rừng trồng, đất lâm nghiệp 6.303 ha.

Do nằm giáp ranh và có các tuyền đường nối với những huyện có diện tích rừng lớn như Buôn Đôn, Ea Súp nên tình trạng vi phạm lâm luật trên địa bàn huyện thường xuyên diễn ra, đặc biệt là tình trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn cùng với tập quán săn bắn, phát rừng làm rẫy cũng gây áp lực không nhỏ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây. Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 1.789 ha rừng bị người dân phá, lấn chiếm trái phép cần được giải tỏa để trồng phục hồi lại rừng. 

Nhân viên bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm kiểm tra đất rừng bị người dân lấn chiếm trái phép.
Nhân viên bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm kiểm tra đất rừng bị người dân lấn chiếm trái phép.

Trước tình hình đó, để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả, Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành các quyết định, phương án, kế hoạch về thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; xử lý thu hồi lại diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép; thành lập đoàn liên ngành  1685 để thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ rừng và lâm sản… Trong 6 tháng đầu năm 2016, Hạt Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý 23 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 53,5 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách 209 triệu đồng.  Ngoài ra, để ngăn chặn hành vi vận chuyển gỗ lậu trên các tuyến đường liên huyện Cư M’gar - Ea Súp và Cư M’gar - Buôn Đôn, nơi thường xuyên nóng tình trạng vận chuyển gỗ trái phép, UBND huyện đã lắp đặt hệ thống camera giám sát để khi có phương tiện vận chuyển gỗ trái phép chạy qua sẽ giúp lực lượng chức năng phát hiện sớm, kịp thời điều động lực lượng xử lý. Đi đôi với việc tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các đơn vị chủ rừng, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Các nội dung tuyên truyền chủ yếu như: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Nghị định 157/2013/NĐ-CP, ngày 11-11-2013 của Chính phủ về quản lý rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 13-3-2012 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý vi phạm về phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn… Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện cùng các đơn vị chức năng trên địa bàn huyện đã tổ chức được 19 đợt tuyên truyền lưu động bằng xe, 17 cuộc họp tuyên truyền cho các thôn, buôn, lắp đặt 100 biển cấm chặt phá rừng…

Theo ông Võ Văn Tụ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar trong thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương đã cùng vào cuộc ngăn chặn các hành vi vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng nên tình hình vi phạm đã có chiều hướng giảm, đáng kể là từ đầu năm đến nay không xảy ra vụ phá rừng làm rẫy nào; giảm 4 vụ vi phạm lâm luật so với cùng kỳ năm ngoái… Để công tác quản lý bảo vệ rừng tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, Hạt sẽ đôn đốc các Công ty lâm nghiệp bố trí lực lượng, phương tiện túc trực ngăn chặn các hành vi phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp; tham mưu cho UBND huyện duy trì hoạt động của đoàn liên ngành để ngăn chặn các hành vi vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép; xây dựng phương án giải tỏa đối với diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, rừng bị phá trái phép để trồng phục hồi lại rừng…         

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.