Multimedia Đọc Báo in

Đào vỉa hè, lòng đường đấu nối nước thải trái phép bị phạt từ 10-14 triệu đồng

08:58, 05/11/2016

Dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính với số tiền lớn và ký cam kết không tái phạm nhưng tình trạng người dân lén lút đào vỉa hè để đấu nối nước thải từ trong nhà ra đường và xuống hệ thống thoát nước mưa của thành phố vẫn xảy ra thường xuyên, nhất là ở các tuyến đường trung tâm.

Mới đây nhất, vào ngày 25-10-2016, Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk phối hợp với đội Quản lý trật tự cảnh quan đô thị TP. Buôn Ma Thuột đã kiểm tra, phát hiện chủ hộ tại địa chỉ 79 đường Nguyễn Thái Bình tự ý cắt xẻ vỉa hè để lắp ống đấu nối nước thải từ trong nhà ra ngoài đường phố. Cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ nhà không được tiếp tục đấu nối, hoàn trả mặt bằng và ký cam kết không tái phạm. Trước đó, vào ngày 8-9-2016, lực lượng chức năng cũng đã  lập biên bản  xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng đối với đơn vị thi công công trình ở 31 Trần Hữu Dực TP. Buôn Ma Thuột do đào đường đấu nối nước thải trái phép; ngày 10-5-2016, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính hộ gia đình 37 Hoàng Hoa Thám tự ý đào vỉa hè đấu nối nước thải trái phép ra hệ thống thoát nước mưa của thành phố…

Một trường hợp đào đường đấu nối nước thải trái phép trên đường Ngô Gia Tự (TP. Buôn Ma Thuột).
Một trường hợp đào đường đấu nối nước thải trái phép trên đường Ngô Gia Tự (TP. Buôn Ma Thuột).

Điểm a Khoản 5 Điều 15 Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định rõ: Phạt tiền từ 5 – 7 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 14 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong những hành vi trong đó có khoan, đào, xẻ đường, hè phố trái phép.

Hầu hết các trường hợp vi phạm là những hộ kinh doanh quán ăn uống, cà phê, giải khát, rửa xe… có lượng nước thải xả ra hằng ngày rất nhiều, do không có biện pháp xử lý nước thải nên đã lén lút đấu nối nước thải ra đường hoặc xuống hố ga thoát nước mưa. Bên cạnh đó, có một số hộ do nhà ở xây dựng đã lâu, hệ thống hầm rút thường xuyên đầy nên đã làm đường ống đấu nối từ hầm rút trong nhà ra đường phố hoặc đấu nối trực tiếp từ nơi xả nước thải ra hố ga thoát nước mưa. Một số trường hợp xây nhà mới ở những tuyến đường chưa có hệ thống đường ống xử lý nước thải đi qua nhưng sợ hầm xử lý nước thải trong nhà về lâu dài sẽ đầy nên… đấu nối sẵn đường ống chờ từ hầm nước thải ra đường… Những hành vi trên không chỉ làm ảnh hưởng đến các công trình công cộng, mất mỹ quan đô thị của thành phố mà còn gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối từ những hố ga thoát nước mưa trên đường phố.

Hiện trường một vụ xẻ vỉa hè trái phép trên đường Trần Khánh Dư (TP. Buôn Ma Thuột) để lắp ống đấu nối nước thải từ trong nhà ra ngoài đường phố.
Hiện trường một vụ xẻ vỉa hè trái phép trên đường Trần Khánh Dư (TP. Buôn Ma Thuột) để lắp ống đấu nối nước thải từ trong nhà ra ngoài đường phố.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định rõ hành vi phá dỡ vỉa hè, đấu nối nước thải trái phép có mức xử phạt khá cao nhưng hầu hết người dân đều không nắm được nội dung quy định này. Một số người chỉ biết là phá dỡ vỉa hè, lòng đường trái phép sẽ bị xử phạt nhưng không biết bị phạt bao nhiêu nên vẫn lén lút vi phạm.

Để từng bước ngăn chặn tình trạng trên, bên cạnh công tác tăng cường kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, thiết nghĩ chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, từng bước nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong việc bảo vệ các công trình công cộng, giữ gìn vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trên địa bàn thành phố.   

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.