Multimedia Đọc Báo in

Gần Tết, lại lo thực phẩm bẩn!

09:50, 06/01/2017

Thời điểm này, thị trường trong tỉnh trở nên sôi động bởi nhu cầu mua sắm chuẩn bị Tết, nhưng kéo theo đó là nỗi lo của người tiêu dùng (NTD) về chất lượng hàng hóa. Công cuộc chống hàng giả, hàng kém chất lượng vì thế cũng trở nên ráo riết, quyết liệt hơn…

Những ngày giáp Tết, sức mua hàng hóa tại các siêu thị, chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã tăng lên đáng kể, gấp 3-4 lần so với ngày thường. Song điều khiến nhiều NTD lo sợ là mua phải hàng giả, kém chất lượng. Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), những mặt hàng bánh kẹo, mứt, mỹ phẩm, nước giải khát… có sức tiêu thụ mạnh nhất kéo theo đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gian thương trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ trên thị trường để kiếm lời.

Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hóa đơn chứng từ hàng hóa tại một cửa hàng ở TP. Buôn Ma Thuột.
Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hóa đơn chứng từ hàng hóa tại một cửa hàng ở TP. Buôn Ma Thuột.

Mối lo ngại trên không phải là không có cơ sở khi mà gần đây, lực lượng chức năng của tỉnh liên tục phát hiện các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể, trong đợt ra quân kiểm tra, kiểm soát hàng hóa dịp trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực số 13 của tỉnh đã phát hiện nhiều mặt hàng không nhãn mác, nguồn gốc trên bao bì, thậm chí, đã hết hạn sử dụng. Chiếm phần lớn trong số đó là các loại bánh, mứt, gia vị, ruốc thịt… phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Tại khu vực Buôn Ma Thuột, kiểm tra cửa hàng bánh mì H.N trên đường Lê Hồng Phong, lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ trên 191 lon sữa, bia là hàng nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, cũng tại đây, có 12 kg ruốc thịt và 44 kg mứt kiwi được đựng trong các túi lớn mà không hề thấy có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ trên bao bì. Tương tự, kiểm tra tại cơ sở bánh ngọt T.P (đường Trần Nhật Duật) Đoàn kiểm tra phát hiện tại khu nhà chế biến có 20 kg da bao thịt heo và 3 gói gia vị lẩu (0,5 kg/gói) đã hết hạn sử dụng. Tại cửa hàng giò chả  B.Th (đường Lý Thường Kiệt) có 8 chai nước cốt chanh hết hạn sử dụng, 150 kg ruốc thịt không rõ nguồn gốc… Theo một cán bộ Chi cục QLTT, ruốc thịt là món được tiêu thụ khá lớn mỗi dịp Tết, số thực phẩm trên thường được các cơ sở chế biến bánh ngọt sử dụng để làm nhân cho các loại bánh.

Ngoài ra, tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh ngọt khác, Đoàn cũng phát hiện 30 lọ kẹo cao su, 300 gói bim bim, 20 kg kẹo dẻo hết hạn sử dụng, gần 100 kg bánh tráng trộn, 35 kg bánh dẻo, 39 kg bánh mì Sandwich không ngày sản xuất, không hạn sử dụng…

Cũng qua đợt kiểm tra trên, lực lượng QLTT tỉnh cũng đã phát hiện và tịch thu gần 1.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu được gian thương trà trộn trong hàng hóa khác để vận chuyển về tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Cơ quan này đã phạt vi phạm hành chính số tiền trên 165 triệu đồng.

Theo một thành viên của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, hầu hết NTD đều tiết kiệm chi tiêu, chỉ ưu tiên mua sắm những mặt hàng thật sự cần thiết, trong đó, thường chọn mua những mặt hàng có giá bình dân, mẫu mã đẹp. Đánh vào tâm lý đó, nhiều đại lý kinh doanh cố tình trà trộn hàng giả, kém chất lượng giá rẻ vào tiêu thụ để kiếm lời.

Trước tình trạng trên, Đoàn liên ngành đã và đang liên tục tổ chức những đợt kiểm tra và thu giữ những mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Thay vì kiểm tra trên diện rộng cơ quan chức năng sẽ tiến hành các đợt kiểm tra tập trung, bảo đảm bí mật và bất ngờ để bắt “tận gốc” các hành vi vi phạm. Trong đó, “đánh” mạnh vào khâu vận chuyển để ngăn chặn tình trạng phân tán đi các điểm kinh doanh.

Tuy nhiên, theo dự báo, từ nay đến Tết, tình hình buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, lậu, kém chất lượng sẽ còn tiếp tục gia tăng. Do đó, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, NTD cũng nên cảnh giác và tự bảo vệ mình khi mua sắm bằng cách xem kỹ nguồn gốc, hạn sử dụng của sản phẩm được ghi trên bao bì và mua hàng ở những nơi đáng tin cậy.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.