Cần sớm ngăn chặn tình trạng đào hầm rút trên vỉa hè đường phố
Trong thời gian qua, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thường xuyên xảy ra tình trạng các hộ dân xây dựng, sửa chữa nhà cửa không đào hầm rút trong nhà mà lợi dụng vỉa hè để đào hầm rút gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vỉa hè trên các tuyến đường.
Mới đây, vào ngày 13-4-2017, các cơ quan chức năng của thành phố đã phát hiện chủ nhà số 166 Nguyễn Thị Minh Khai (phường Thành Công) đang tiến hành tháo dỡ vỉa hè trước nhà để đào hầm chứa nước thải. Khi bị phát hiện, chủ hộ đã cho đào được một hố sâu khoảng 6 m với đường kính hố khoảng 0,7 m. Các cơ quan chức năng đã lập biên bản yêu cầu chủ hộ không được tiếp tục đào phá và đề nghị lấp hố hoàn trả mặt bằng dưới sự giám sát của đại diện Đội trật tự cảnh quan đô thị thành phố, Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường và UBND phường Thành Công.
Tổ trật tự đô thị phường Thành Công đang kiểm tra việc hoàn trả mặt bằng của chủ hộ số 166 Nguyễn Thị Minh Khai. |
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp đào hầm rút trên vỉa hè đường phố đã được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý trong thời gian qua trên các tuyến đường như: Trần Quang Khải, Hoàng Diệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Hữu Dực… Ngoài một số hộ xây nhà mới không muốn đào hầm rút trong nhà vì sợ ảnh hưởng đến việc hút hầm sau này, không ít hộ do hầm rút trong nhà đã đầy và một số cửa hàng sợ tốn chi phí hút hầm thường xuyên do lượng nước thải, chất thải xả ra hằng ngày nhiều cũng đào thêm hầm rút ở bên ngoài để chứa nước thải. Để tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng, nhiều hộ lén lút đào vào ban đêm hay vào ngày nghỉ. Việc đào hầm chứa nước thải trên vỉa hè đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu khiến vỉa hè dễ bị sụt lún vào mùa mưa hoặc khi có phương tiện nặng vô tình chạy lên.
Hầu hết các trường hợp đào hầm rút nước trên vỉa hè đường phố đều bị các cơ quan chức năng phát hiện lập biên bản và yêu cầu hoàn trả mặt bằng. Theo điều 15 khoản 5, điểm a, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có quy định: “Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 14 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Khoan, đào, xẻ đường, hè phố trái phép”. Tuy nhiên, số hộ bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trên chưa nhiều; việc đôn đốc người dân thực hiện quyết định xử phạt vi phạm lại rất khó khăn.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng này, các ban ngành, đoàn thể có liên quan của thành phố bên cạnh việc tăng cường kiểm tra phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp đào hầm rút trên vỉa hè đường phố thì cần chú trọng tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân về giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường đô thị. Riêng đối với những tuyến đường đã và đang thi công hệ thống đường ống thoát nước thải, Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương đang tích cực vận động người dân đăng ký đấu nối hệ thống nước thải của gia đình vào hệ thống cống chung của thành phố.
Minh Ngọc
Ý kiến bạn đọc