Multimedia Đọc Báo in

Người dân bức xúc vì các khoản thu phí ở Nghĩa trang nhân dân xã Quảng Tiến

09:03, 10/05/2017

Để xây dựng Nghĩa trang nhân dân (NTND) xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar), người dân nơi đây đã đóng góp khoảng 400 triệu đồng mua đất, xây dựng tường rào.

Điều nghịch lý, khi di dời các phần mộ từ Nghĩa trang thị trấn Quảng Phú về đây theo chủ trương của huyện, họ lại phải đóng nhiều khoản phí, sử dụng dịch vụ với giá cao.

Nghĩa trang thị trấn Quảng Phú (nghĩa trang cũ) được xây dựng từ những năm 1960, nơi chôn cất người quá cố thuộc các xã Quảng Tiến, Ea M’nang và thị trấn Quảng Phú. Đến năm 2005, UBND thị trấn Quảng Phú có chủ trương di dời các phần mộ ở nghĩa trang cũ sang nghĩa trang các xã, thị trấn để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng và quy hoạch thị trấn Quảng Phú trở thành đô thị loại IV.

Để thực hiện chủ trương trên, năm 2005, UBND xã Quảng Tiến đã xây dựng nghĩa trang xã, qua đó huy động nhân dân đóng góp 400 triệu đồng để mua đất và giải phóng mặt bằng. Năm 2006, Nghĩa trang nhân dân (NTND) xã Quảng Tiến chính thức đi vào hoạt động, với diện tích gần 3 ha. Năm 2009, UBND xã Quảng Tiến ký hợp đồng kinh tế với ông Trần Văn Tằng (dịch vụ mai táng Tuấn Tằng, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) về xây dựng bia mộ tại nghĩa trang này, thời gian hợp đồng 15 năm (2009-2024). Theo đó, mỗi năm cơ sở này đóng cho UBND xã 15 triệu đồng; UBND xã thu trước 10 năm là 150 triệu đồng. Theo phản ảnh của người dân xã Quảng Tiến, khi chuyển các mộ phần về NTND xã Quảng Tiến thì họ phải bỏ ra những khoản tiền vô lý. Theo quy định của UBND xã, mỗi ngôi mộ chuyển về khu nghĩa trang này các gia đình phải đóng góp như sau: đối với các hộ trong quy chế nghĩa trang (đã đóng tiền xây dựng nghĩa trang từ năm 2005), đóng 400.000 đồng/mộ lớn (gồm tiền đất cải táng 200.000 đồng, còn lại là phí làm đường bê tông và kéo điện); đối với các hộ ngoài quy chế (những hộ mới chuyển khẩu đến nhưng chưa đóng góp xây dựng nghĩa trang trước đây) mức đóng 1 triệu đồng (trong đó tiền đất cải táng 800.000 đồng). Vấn đề bất hợp lý ở đây là, nghĩa trang này đã được người dân đóng góp mua đất xong từ năm 2005, nhưng vì sao hiện nay xã vẫn tiếp tục thu tiền đất, đặc biệt đối với những hộ ngoài quy chế thu với mức cao (tính theo giá thị trường thời điểm hiện tại), trong khi diện tích đất nghĩa trang vẫn nguyên như cũ, không mở rộng thêm? Theo nguyện vọng của người dân, những người trước đây đã đóng góp tiền mua đất thì được miễn đóng góp tiền làm đường bê tông và kéo điện; còn những người chưa đóng tiền mua đất có trách nhiệm đóng tiền đường và điện thì mới hợp lý.

Khu Nghĩa trang nhân dân xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar).
Khu Nghĩa trang nhân dân xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar).

Ngoài ra, khi mai táng, cải táng ở nghĩa trang này, người dân đều phải sử dụng dịch vụ của đơn vị quản lý nghĩa trang (dịch vụ mai táng Tuấn Tằng), với giá dao động từ 10-15 triệu đồng, cao hơn giá thị trường từ 2-3 triệu đồng/ngôi. UBND xã Quảng Tiến khẳng định không có chuyện địa phương ép người dân sử dụng dịch vụ của đơn vị quản lý nghĩa trang. Tuy nhiên, trong 1 mẫu đơn soạn thảo sẵn của UBND xã lại ghi rõ nội dung: “Gia đình tôi cam kết không thuê các dịch vụ ngoài vào xây dựng bia mộ tại NTND xã Quảng Tiến khi chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương”. Ông N.T (thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến) cho biết, gia đình ông hiện có tới 8 phần mộ tại nghĩa trang thị trấn Quảng Phú, đang tính chuyển về NTND xã Quảng Tiến. Tuy nhiên, việc chuyển về rất khó khăn vì những khoản thu phí vô lý từ UBND xã Quảng Tiến quy định và phí dịch vụ quá đắt đỏ nên gia đình ông đang chần chừ. Tính tất cả các khoản phí từ phí đường giao thông, điện và dịch vụ mai táng của đơn vị quản lý nghĩa trang, nếu di dời xong 8 ngôi mộ, gia đình ông phải chi ra gần 100 triệu đồng, chênh lệch từ 20-30 triệu đồng so với sử dụng dịch vụ bên ngoài. Một hộ dân khác (xin giấu tên) ở thôn Tiến Cường bức xúc, mới đây, gia đình định chuyển 7 ngôi mộ từ Nghĩa trang Quảng Phú về NTND Quảng Tiến. Tuy nhiên, khi người nhà đưa vật liệu đến xây dựng thì quản trang ngăn không cho và buộc phải về làm đơn gửi UBND xã Quảng Tiến. Nếu sử dụng dịch vụ Tuấn Tằng, với 5 mộ lớn, 2 mộ nhỏ, gia đình phải bỏ ra khoản phí khoảng 75 triệu đồng, trong khi nếu sử dụng dịch vụ ngoài, giá thấp hơn khoảng 20 triệu đồng!

Khi được hỏi về các khoản phí đã và đang được địa phương tiến hành thu, ông Phạm Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến lý giải, các mức đóng góp này đã thông qua họp và lấy ý kiến người dân, song khi phóng viên đề nghị cung cấp biên bản họp dân thì không có (!). Mới đây (sau khi phóng viên về làm việc với chính quyền địa phương vào ngày 18-4-2017), ngày 20-4-2017, UBND xã Quảng Tiến mới gửi phiếu lấy ý kiến nhân dân về xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường và huy động đối tượng cải táng ngoài quy chế NTND xã Quảng Tiến. Như vậy, trước thời điểm phát phiếu lấy ý kiến nhân dân, UBND xã Quảng Tiến căn cứ vào đâu để thu các loại phí nói trên? Ngoài ra người dân nêu câu hỏi: Số tiền 150 triệu đồng UBND xã Quảng Tiến thu của Cơ sở dịch vụ mai táng Tuấn Tằng đã sử dụng vào việc xây dựng hạ tầng nghĩa trang như thế nào mà còn phải yêu cầu người dân đóng góp?

Hy vọng những băn khoăn thắc mắc của người dân xã Quảng Tiến được UBND xã trả lời thỏa đáng để người dân an tâm thực hiện chủ trương di dời nghĩa trang của UBND huyện.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.