Nhức nhối nạn tảo hôn ở vùng sâu
Ở nhiều vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh vẫn đang tồn tại tình trạng tảo hôn. Những đứa trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới" trở thành vợ chồng, gánh trách nhiệm làm cha, làm mẹ đã gây nên nhiều hệ lụy đáng buồn như: làm tăng số hộ nghèo, giảm sút chất lượng giống nòi, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản…; thậm chí cả những bi kịch thương tâm.
“Trái non chín ép”
Ngôi nhà lụp xụp của vợ chồng Lò Văn Dũng (SN 1990) và Vũ Thị Song (SN 1992) nằm lọt thỏm giữa những quả đồi ở thôn Ea Rớt, xã Cư Pui (huyện Krông Bông). Vũ Thị Song năm nay mới 25 tuổi nhưng trông già hơn tuổi rất nhiều. Như nhiều bạn bè cùng trang lứa, Song học hết lớp 3 rồi nghỉ học và lấy chồng từ năm 15 tuổi. Song bộc bạch: “Nghỉ học không làm chi thì phải lấy chồng sớm chứ không là… ế. Mình hồi trước cũng trắng, đẹp gái lắm, thanh niên ai cũng mê. Từ lúc lấy chồng, sinh con, lo lao động kiếm tiền thì phải nhanh già thôi”.
Ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn Ea Rớt cho biết, thôn Ea Rớt hiện có khoảng 254 hộ dân thuộc các đồng bào Mông, Dao từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào. Hằng năm, dù cán bộ xã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhưng nạn tảo hôn ở đây vẫn còn phổ biến do nhận thức của người dân còn hạn chế; phong tục, tập quán của người dân đã ăn sâu trong tiềm thức nên khó thay đổi.
Vũ Thị Song (thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) và những đứa con. |
Tảo hôn cũng là tình trạng đáng lo ngại tại 4 buôn dự án được hỗ trợ định canh định cư xã Ea Sin, huyện Krông Búk. Tình trạng lấy chồng, lấy vợ ở tuổi 13 - 14 diễn ra phổ biến đến nỗi người dân nơi đây xem việc này là tự nhiên nên người này theo người khác, đời này nối tiếp đời kia. Như trường hợp H’Ver (buôn Cư M’tao) năm nay 15 tuổi nhưng đã lấy chồng được… 2 năm! H’Ver tâm sự: “Vợ chồng em sống với nhau được hai năm. Chỉ cần hai đứa ưng cái bụng thì về sống với nhau. Sống một thời gian nếu không hợp thì đường ai nấy đi, vì vậy vợ chồng em cũng chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn”.
Ở xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) - nơi có hơn 50% dân số là người Mông di cư, việc tảo hôn cũng diễn ra phổ biến. Theo chị Hoàng Thị Châm, cán bộ dân số xã Cư Kbang, đồng bào ở đây không bỏ được tập tục lấy vợ lấy chồng sớm và sinh con đàn cháu đống nên cuộc sống rất khó khăn. Đơn cử như trường hợp vợ chồng Nông Văn Thành (SN 1997) và Sùng Thị Chậu (SN 1998). Hai vợ chồng lấy nhau từ khi Thành mới 17 tuổi và Chậu 16 tuổi. Cả hai đều chỉ học đến lớp 3, lớp 5 rồi nghỉ học ở nhà lao động và lập gia đình. Hiện hai vợ chồng vẫn chưa đăng ký kết hôn, sống cùng nhà với bố mẹ và 7 anh chị em. Hỏi chuyện làm ăn, Thành hồn nhiên: “Cả gia đình có 1 ha lúa, đến mùa đi làm, hết mùa thì đi chơi, hoặc ai thuê gì làm nấy thôi".
Chị Hoàng Thị Châm ngậm ngùi: “Đã vận động, tuyên truyền nhiều nhưng bà con vẫn không thông, đặc biệt rất khó tiếp cận với người dân ở đây. Mỗi lần đến nhà tuyên truyền, mình nói gì, hỏi gì, họ cũng đều im lặng, làm như không nghe thấy, cứ thế lủi thủi làm việc rồi bỏ đi. Nạn tảo hôn đang là vấn đề khiến cán bộ xã đau đầu”.
Những hệ lụy buồn
Không chỉ làm suy giảm chất lượng giống nòi, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, là nguyên nhân của vòng luẩn quẩn đói nghèo, nạn tảo hôn còn dẫn tới nhiều bi kịch đau lòng.
Y Dôn Êban và H'Pun Kbuôr (buôn Knia 3, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) lấy nhau khi cả hai mới 17, 18 tuổi. Ở với nhau chưa đầy một năm thì xảy ra bi kịch khiến người chết, người lâm vào tù tội. Hai vợ chồng cãi nhau bởi Y Dôn đi uống rượu; trong lúc cãi nhau, H'Pun đã tát hai cái vào mặt Y Dôn. Bực tức, Y Dôn đã lấy chai thuốc diệt cỏ rồi kẹp cổ, đổ thuốc vào miệng vợ khiến H’Pun tử vong.
H’Nhah Niê (buôn M'Tao, xã Ea Sin, huyện Krông Búk) năm nay mới 17 tuổi mà đã có một con gái 3 tuổi. H’Nhah và chồng là Y Lem M’lô lấy nhau khi tuổi còn quá nhỏ, phải phụ thuộc kinh tế vào cha mẹ. Vẫn còn là trẻ con “ăn chưa no, lo chưa tới” mà phải lo “chuyện người lớn” nên giữa hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, xung đột từ những chuyện nhỏ nhặt, vụn vặt. Trong một lần cãi nhau, Y Lem đã uống thuốc diệt cỏ tự tử, may mắn được gia đình cứu kịp thời nên thoát chết.
Còn bao nhiêu nữa những buôn làng nơi có những cô gái chưa hết tuổi hoa mộng đã phải chăm lo bầy con nheo nhóc, những bà mẹ mặt bấm ra sữa đã phải ầu ơ tiếng ru hời? Ở những buôn làng vùng sâu vùng xa, nạn tảo hôn diễn ra đã kẹp chặt người dân vào đói nghèo và những bi kịch trong hôn nhân…
Dạ Yến Thảo
Ý kiến bạn đọc