Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp chủ động phòng ngừa cháy nổ

13:32, 23/06/2017

Nhận thức rõ hiểm họa cháy nổ cũng như những thiệt hại to lớn do hỏa hoạn gây ra, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp.

Là doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu xăng dầu, mặt hàng có nguy cơ cháy nổ rất cao, với 9 cửa hàng có mặt tại các huyện, thị xã, thành phố, Chi nhánh Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Vũng Tàu tại Đắk Lắk luôn ý thức, tự giác tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn PCCC. Đại diện chi nhánh Công ty, anh Phan Xuân Long cho biết, trước khi thành lập 1 cửa hàng mới, ngoài cam kết về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, Chi nhánh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và đào tạo, huấn luyện PCCC, cứu nạn cứu hộ (Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh) tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức về PCCC cho nhân viên mới để họ sử dụng, thao tác thành thục bình chữa cháy MT3, MFZL và bình chữa cháy MFTZ dập đám cháy khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó chi nhánh còn đầu tư kinh phí trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, bảo đảm hoạt động tốt phục vụ công tác chữa cháy. Ngoài ra để phòng ngừa hỏa hoạn, các cửa hàng đều niêm yết nội quy, tiêu lệnh PCCC, biển cấm lửa tại những nơi quy định; nhân viên thường xuyên nhắc nhở khách hàng tắt máy trong quá trình bơm nhiên liệu, không hút thuốc, sử dụng điện thoại di động.

Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thực tập phương án chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tại Công ty TNHH  Một thành viên Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột.
Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thực tập phương án chữa cháy, cứu hộ cứu nạn tại Công ty TNHH Một thành viên Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột.

Tại Công ty TNHH Một thành viên Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột, một trong những đơn vị kinh doanh mặt hàng điện tử, giá trị tài sản rất lớn, nên ngoài việc mua bảo hiểm cháy nổ, phòng ngừa rủi ro, doanh nghiệp còn phối hợp với Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh) khảo sát, xây dựng nhiều phương án chữa cháy để chủ động ứng phó hiệu quả với những tình huống khi cháy nổ xảy ra. Mới đây nhất, Công ty đã phối hợp, tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở cũng như khả năng phối hợp chữa cháy của các lực lượng. Được biết để thực tập một phương án, Công ty phải chi phí rất nhiều, song theo ông Võ Duy Khang, Giám đốc Công ty chuyện tốn kém kinh phí “không là gì” so với những kinh nghiệm, bài học mà Công ty có được qua buổi thực tập.

Còn ở Cụm dịch vụ khách sạn DAKRUCO, một trong những khách sạn có lưu lượng khách lưu trú đông, để phòng ngừa nguy cơ cháy nổ, song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, nhân viên khách sạn ý thức tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC cũng như lập, thực tập phương án chữa cháy cơ sở hằng năm theo đúng quy định, định kỳ hằng năm Khách sạn phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thực tập những tình huống cứu hộ cứu nạn cho khách khi có sự cố xảy ra. Những vị trí cứu nạn xung quanh khách sạn đều được khảo sát kỹ lưỡng, khi hỏa hoạn xảy ra, những vị trí này đều bố trí các phao hơi, xe thang cứu nạn để đưa mọi người thoát hiểm. Bên cạnh đó tất cả khách khi đến lưu trú đều được hướng dẫn cửa thoát nạn, cách sử dụng thang dây để tiếp đất an toàn.

Đại tá Trần Kim Mai, Trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh) nhận xét: “Hiện nay ý thức chấp hành các quy định về PCCC của người đứng đầu các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đã có nhiều chuyển biến tích cực, không còn tư tưởng chủ quan, xem nhẹ công tác PCCC”. Minh chứng rõ ràng nhất là đa số doanh nghiệp đều quan tâm đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện PCCC; xây dựng, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ chữa cháy cơ sở nhằm phát huy tối đa hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản nếu hỏa hoạn xảy ra.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.