Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Vẫn "nóng" tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép

08:45, 02/06/2017

Tình hình vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Cư M’gar vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khiến “cuộc chiến” chống buôn lậu gỗ ở đây vẫn luôn “nóng” đối với lực lượng chức năng của huyện.

Theo thống kê, diện tích rừng trên địa bàn huyện Cư M’gar có 7.749,4 ha, chủ yếu là rừng khộp, phân bố tại các xã Ea Kiết, Ea Kuêh, Ea M’droh... Do lợi nhuận cao từ việc mua bán lâm sản cộng với nhu cầu sử dụng cây gỗ làm trụ tiêu của một số hộ dân trong và ngoài huyện tăng cao nên tình trạng mua bán, vận chuyển gỗ lậu qua địa bàn huyện càng thêm “nóng”, nhất là ở các tuyến giáp ranh với các huyện Ea Súp, Buôn Đôn. Theo Hạt phó Hạt Kiểm lâm Cư M’gar Nguyễn Như Hoàng, đối tượng vi phạm lợi dụng các ngày lễ, tết để vận chuyển lâm sản trái phép và có bố trí người dò đường, gác tại các ngã ba, ngã tư để theo dõi và dùng điện thoại di động thông báo cho đối tượng vận chuyển gỗ lậu rẽ hướng khác khi gặp lực lượng tuần tra, chốt chặn, nếu bị bắt quả tang, họ sẵn sàng chống trả hoặc bỏ lại phương tiện để chạy thoát nên rất khó để xác định được chủ hàng.

Phương tiện và số gỗ  vận chuyển trái phép được  phát hiện, tạm giữ  tại Hạt Kiểm lâm huyện.
Phương tiện và số gỗ vận chuyển trái phép được phát hiện, tạm giữ tại Hạt Kiểm lâm huyện.

Trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát (từ ngày 1-4 đến hết 22-5) các cơ quan chức năng của huyện Cư M’gar đã phát hiện 18 vụ vi phạm, tạm giữ gần 50 m3 gỗ tròn, xẻ các loại.  Trong đó, qua đấu tranh, lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý 10 vụ vi phạm, tịch thu trên 15 m3 gỗ tròn các loại, gần 17 ster củi, xử phạt hành chính 30 triệu đồng. Số vụ việc còn lại đang được tiếp tục đấu tranh để xác định chủ sở hữu và xử lý theo quy định; phần lớn lâm sản tịch thu có nguồn gốc khai thác từ các huyện giáp ranh. Có thể kể đến như vụ việc vào 2 giờ sáng ngày 21-4, từ nguồn tin báo, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với Công an địa phương tổ chức kiểm tra và phát hiện ôtô mang BKS 61K – 5407 do ông Nguyễn Văn Điện (thôn 2, xã Ea Kiết) điều khiển, vận chuyện 32 lóng gỗ tròn cà chít (nhóm III), dầu lông (nhóm IV) với tổng khối lượng 1,420 m3 không có nguồn gốc hợp pháp, Hạt đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm và xử phạt đối với ông Điện 7.500.000 đồng.

Tiếp đó, lúc 9 giờ 30 phút ngày 28-4, trên địa bàn xã Ea Tul, từ nguồn tin báo của người dân, Hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND xã Ea Tul tổ chức kiểm tra và phát hiện ôtô BKS 47K – 4648 do lái xe Trần Phi Cường (sinh năm 1993, trú tại thôn 10, xã Ea Kiết) vận chuyện 25 lóng gỗ tròn dầu lông (nhóm IV) có khối lượng 1,423 m3 không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp. Hạt đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm và xử phạt 7,5 triệu đồng.

Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng của huyện đã có nhiều tích cực trong triển khai công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Theo Hạt Kiểm lâm huyện, các đối tượng vận chuyển gỗ trái phép có nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với các cơ quan chức năng. Khi lực lượng chức năng tổ chức các điểm chốt chặn tại các cửa ngõ ra vào huyện thì lập tức các đối tượng thông tin cho nhau chuyển sang những đường vòng khác hoặc tháo bỏ biển kiểm soát của phương tiện để trốn tránh sự truy bắt. Chưa kể, biên chế của Hạt khá mỏng, một người phải phụ trách 3-4 địa bàn, trong khi giao thông ở huyện có rất nhiều tuyến đường thông qua các huyện giáp ranh nên rất khó khăn trong việc triển khai lực lượng.

Trước tình hình trên, các ngành chức năng của huyện lên kế hoạch phối hợp đấu tranh ngăn chặn và xem đây là công tác thường xuyên. Trong đó, luôn coi trọng công tác bảo vệ rừng, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nhất là các địa bàn trọng điểm như Ea Kiết, Ea Kuêh, Ea M’droh, kiên quyết ngăn chặn và xử lý tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép. Cùng với đó, UBND huyện cũng đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về các hành vi liên quan đến vận chuyển, mua  bán gỗ lậu, bố trí kiểm lâm viên phụ trách các địa bàn trọng điểm, phối hợp với UBND các xã tăng cường tuần tra, kiểm soát đối với các tuyến đường liên huyện…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.