Multimedia Đọc Báo in

Nan giải tình trạng chiếm dụng hoa viên, công viên để kinh doanh, buôn bán

08:42, 27/06/2017

Hiện nay, tình trạng chiếm dụng hoa viên, công viên, quảng trường làm nơi kinh doanh buôn bán cà phê, giải khát, làm nơi đậu đỗ xe cho khách xảy ra tràn lan ở hầu như tất cả các hoa viên; công viên trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Mặc dù cơ quan quản lý đã nỗ lực bằng các biện pháp: đặt chậu hoa, ghế đá ngăn các phương tiện lên hoa viên, kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí phối hợp với các đơn vị chức năng xử phạt vi phạm hành chính nhưng tình trạng trên vẫn không giảm, người phạt cứ phạt còn người lấn chiếm vẫn… tiếp tục lấn chiếm.

Mới đây nhất, Đội Trật tự cảnh quan đô thị TP. Buôn Ma Thuột đã phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường Đắk Lắk lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh buôn bán tại số nhà 91 Nguyễn Khuyến và số nhà 36 Chế Lan Viên về hành vi lấn chiếm hoa viên để bày bàn ghế bán cà phê, giải khát, làm ảnh hưởng đến cây hoa, cây cảnh, thảm cỏ trên các tiểu hoa viên. Các cơ quan chức năng còn trực tiếp và làm biên bản nhắc nhở đối với các trường hợp vi phạm song tình trạng chiếm dụng mặt bằng hoa viên, công viên vẫn… đâu hoàn đó.

Không chỉ kê bàn ghế cho khách ngồi uống cà phê, một số cơ sở kinh doanh còn sử dụng mặt bằng hoa viên, công viên để giữ xe cho khách như: một số quán xung quanh tiểu hoa viên giữa đường Ngô Quyền và Trần Hữu Dực; quán cà phê trên đường Tản Đà; các quán trên đường Nguyễn Khuyến và xung quanh khu vực Bệnh viện thành phố. Thậm chí, quán nhậu trên đường Ama Pui còn lợi dụng mặt bằng tiểu hoa viên giữa đường Ama Pui và Chế Lan Viên để đặt nhà banh, thú nhún làm trò chơi cho trẻ em thu hút khách đến quán. Tại tiểu hoa viên trên đường Ngô Quyền, một hộ kinh doanh buôn bán nước mía ngang nhiên bày bàn ghế trên để bán nước mía và kinh doanh dịch vụ cho thuê ôtô trò chơi trẻ em…

Tiểu hoa viên giữa đường Ama Pui và Chế Lan Viên bị chiếm dụng để làm nơi trông giữ xe và đặt trò chơi cho trẻ em.
Tiểu hoa viên giữa đường Ama Pui và Chế Lan Viên bị chiếm dụng để làm nơi trông giữ xe và đặt trò chơi cho trẻ em.

Tình trạng lấn chiếm công viên, hoa viên làm nơi kinh doanh buôn bán không chỉ ảnh hưởng đến mặt bằng của hoa viên, tiểu hoa viên mà còn ảnh hưởng đến cây xanh, cây hoa, cây cảnh, thảm cỏ và công tác vệ sinh môi trường quanh khu vực. Đặc biệt, không gian vui chơi, thư giãn của người dân vốn đã hạn chế nay lại bị thu hẹp bởi tình trạng lấn chiếm mặt bằng tại các khu vực công cộng. Bà Nguyễn Thị Phương, một người dân sinh sống gần khu vực tiểu hoa viên Ngô Quyền (phường Thắng Lợi) bức xúc: “Tiểu hoa viên vốn đã nhỏ, hằng ngày vào mỗi buổi chiều người dân chúng tôi thường ra khu vực này để đi bộ nhưng hiện nay tiểu hoa viên đã bị chiếm dụng già nửa diện tích nên không còn đi bộ được nữa, chỉ tranh thủ tập thể dục được vào buổi sáng sớm khi họ chưa bày bàn ghế bán hàng”. Chị Bùi Thị Nhung, công nhân Xí nghiệp Công viên cây xanh trực thuộc Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường Đắk Lắk cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý tình trạng lấn chiếm hoa viên hoa viên, công viên bởi diện tích cây xanh, cỏ thảm chị chăm sóc hằng ngày thường xuyên bị hư hại do tình trạng trên gây ra.

Thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa, cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương ra quân giải tỏa đồng bộ tất cả các trường hợp lấn chiếm hoa viên, tiểu hoa viên, quảng trường trên địa bàn, sau khi bàn giao cho chính quyền từng địa phương quản lý, ngăn chặn tình trạng tái lấn chiếm. 

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.