Tai nạn giao thông – những nỗi đau còn đó
Từng có một gia đình hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười nhưng nhiều trẻ em bỗng chốc trở thành mồ côi vì tai nạn giao thông (TNGT) đã cướp đi sinh mạng các đấng sinh thành.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh hiện đang nuôi dưỡng khoảng 150 trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật trong đó có 2 trường hợp có mẹ mất đi vì TNGT. Đó là trường hợp của em Phạm Phúc Chiến (SN 2002) ở huyện Ea Súp và em Hà Đức Thư (SN 2001) ở huyện Ea H’leo.
Năm 2003, một vụ TNGT nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của mẹ Chiến khi em mới hơn một tuổi. Một thời gian sau, bố em lập gia đình mới và gửi em vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh khi em vừa 13 tuổi. Dù đã 2 năm sống ở môi trường này, thế nhưng, những ký ức về một mái ấm gia đình chưa bao giờ xóa nhòa trong tâm trí của cậu bé 15 tuổi. “Hằng ngày, khi được các anh chị bảo mẫu của trung tâm chăm sóc, dạy dỗ và chơi đùa với các bạn đồng trang lứa em thấy rất vui. Nhưng cứ mỗi dịp lễ, tết, nhìn các bạn khác được đoàn tụ với gia đình, được bố mẹ đưa đi chơi em thấy tủi thân lắm”- Chiến tâm sự.
Cùng chung ước mơ của Chiến, em Hà Đức Thư cũng có hoàn cảnh rất éo le. Bố mất vì bạo bệnh khi Thư mới tuổi lên 3, ít lâu sau mẹ em cũng qua đời trong một vụ TNGT. Mồ côi cha mẹ, Thư phải sống nương tựa vào họ hàng hai bên nội, ngoại, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên người thân đã gửi em vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Ở đây em nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo, được ăn học tử tế nhưng Thư luôn ao ước được như những đứa trẻ khác có bố mẹ yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ.
Đến thăm gia đình anh Trần Anh Vũ và chị Hoàng Thị Ngọc Hạnh ở xã Hòa An (huyện Krông Pắc) là nạn nhân trong vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cách đây hơn 2 năm, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn nụ cười ngây thơ của em Trần Hoàng Kim Ly – đứa con nhỏ của anh chị may mắn sống sót trong vụ TNGT hôm đó. Đầu năm 2015, anh Vũ chở chị Hạnh cùng 2 con nhỏ là cháu Trần Thị Kim Linh (7 tuổi) và Trần Hoàng Kim Ly (4 tuổi) lưu thông theo hướng huyện Krông Pắc về TP. Buôn Ma Thuột. Khi đến thôn 6, xã Hòa An (huyện Krông Pắc) thì bị chiếc xe bồn BKS 79D-0215 do tài xế Bùi Văn Nam (22 tuổi, hộ khẩu thường trú tại xã Hồng Lập, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) điều khiển lưu thông theo hướng ngược lại đâm trực diện khiến anh Vũ, chị Hạnh cùng cháu Linh tử vong ngay tại chỗ. Riêng cháu Ly bị thương nặng được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cái chết đột ngột, thảm thương của bố mẹ cùng chị gái đã khiến ngôi nhà nhỏ vốn tràn ngập tiếng cười trở nên ảm đạm, đầy tang thương. Ly bây giờ mới hơn 6 tuổi, đang ở tuổi ăn tuổi lớn và cần sự bao bọc của cha mẹ nhưng giờ chỉ biết cậy nhờ vào ông nội. Ông Trần Văn Hòa, ông nội Ly trăn trở: “Từ khi bố mẹ mất đi, tôi đến ở cùng và chăm sóc cho cháu. Nhưng mai này, khi tôi già yếu và qua đời, cuộc sống của cháu không biết rồi sẽ ra sao. Ông bà nội ngoại có bỏ cả việc nhà để chăm lo, cô dì, chú bác có nhận nuôi cháu nhưng cũng không ai có thể nuôi nấng cháu vẹn tròn được như đấng sinh thành”.
Cha mẹ qua đời vì TNGT, ông nội là người nuôi nấng, dạy dỗ cho em Trần Hoàng Kim Ly (xã Hòa An, huyện Krông Pắc). |
Tới bây giờ, có lẽ người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến vụ TNGT thảm khốc xảy ra vào tối 17-5-2012 tại cầu Sêrêpôk thuộc địa phận xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột. Trong số 34 người chết thì có 2 cặp vợ chồng xấu số. Chỉ sau đó không lâu, tại Km 661+470, Quốc lộ 14 thuộc địa bàn xã Cư Nuê (huyện Krông Búk) cũng xảy ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khác khiến vợ chồng anh Nguyễn Danh Thành, chị Trần Thị Thân chết tại chỗ. Đằng sau sự ra đi không được báo trước của họ là những gia đình đang ấm êm, hạnh phúc bỗng dưng tan vỡ, những đứa trẻ vô tội bỗng trở thành mồ côi.
Theo thống kê, Việt Nam là Quốc gia có tỷ lệ tử vong do TNGT hàng đầu thế giới, trung bình mỗi ngày có 25 người chết và 70 người tàn phế suốt đời do TNGT. Riêng tỉnh Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2017 đã xảy ra 288 vụ TNGT làm 163 người chết, tăng 43 vụ, 31 người chết so với cùng kỳ năm 2016. Đằng sau những con số “biết nói” ấy là những hệ lụy xót xa cho mỗi gia đình và cả xã hội. Và chắc chắn rằng những nỗi đau, mất mát nặng nề đó sẽ không dừng lại nếu mỗi chúng ta không nâng cao ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông. Điều đó cũng thể hiện lương tâm và trách nhiệm công dân nhằm góp phần giảm thiểu những thiệt hại cho xã hội và những mất mát đau thương cho mỗi gia đình vì tai nạn giao thông.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc