Trợ giúp pháp lý lưu động: Kênh đối thoại giữa người dân và chính quyền cơ sở
Trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động là hoạt động thường niên của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh. Thông qua kênh TGPL lưu động, người dân được tiếp cận tốt hơn các quy định của pháp luật, nắm bắt được các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Trong những năm qua, với sự phối hợp giữa Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh và chính quyền các địa phương, TGPL lưu động dần khẳng định vai trò như là một kênh đối thoại hữu hiệu giữa nhân dân và chính quyền cơ sở.
Đơn cử như buổi TGPL lưu động được tổ chức tại buôn Práh, xã Cư Dliê Mnông (huyện Cư M’gar) mới đây thực sự đã trở thành một diễn đàn nhân dân, không mang tính hình thức, được nhân dân đồng thuận cao.
Tại đây, người dân địa phương đã được cán bộ TGPL giới thiệu những nội dung cơ bản của pháp luật theo yêu cầu như pháp luật về TGPL, pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về đất đai.., cấp phát tờ gấp pháp luật về hoạt động TGPL cho người tham dự. Cán bộ đoàn TGPL còn cung cấp mẫu “Đơn yêu cầu TGPL” để bà con chủ động nêu câu hỏi, tình huống cụ thể. Với hơn 90 người tham dự cùng 23 ý kiến được tiếp nhận, buổi TGPL lưu động tại buôn Práh đã tạo ra một diễn đàn đối thoại sôi nổi giữa nhân dân địa phương với cán bộ Trung tâm TGPL tỉnh và chính quyền xã Cư Dliê Mnông. Các vấn đề bà con thắc mắc, quan tâm hầu hết xoay quanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy trình bình xét hộ nghèo; điều kiện, thủ tục vay vốn chính sách; vấn đề an ninh, trật tự tại địa phương. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ đã được cán bộ Đoàn TGPL lưu động giải thích rõ cho bà con hiểu về đối tượng thụ hưởng, phạm vi, nội dung của chính sách cũng như tình hình thực tế triển khai tại địa phương.
Một buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại xã Cư Dliê Mnông (huyện Cư M'gar). |
Bằng cách đối thoại thẳng thắn, khách quan, những trăn trở, bức xúc của bà con được giải quyết một cách thấu đáo, chính quyền địa phương cũng nhận được sự cảm thông, đồng thuận cao từ phía nhân dân. Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Dliê Mnông nhận xét: “Sự có mặt của đoàn TGPL lưu động đã giúp nhân dân mạnh dạn đặt câu hỏi hơn, cởi mở hơn trong việc đối thoại với chính quyền”. Bà Bình cũng mong muốn Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tổ chức nhiều hơn các buổi TGPL lưu động để tạo cơ hội cho bà con nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, hiểu biết thêm về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như hóa giải những mâu thuẫn trong đời sống, hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý Nhà nước, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Việc phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh và chính quyền địa phương giúp công tác TGPL lưu động được thực hiện thuận lợi và hiệu quả hơn. TGPL lưu động không chỉ giữ vai trò tuyên truyền, tư vấn pháp luật mà còn tạo ra một diễn đàn nhân dân và là cầu nối giữa nhân dân – chính quyền. |
Hiện nay, trước khi thực hiện các đợt TGPL lưu động, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thường cử cán bộ phối hợp với chính quyền cơ sở tiến hành khảo sát đối tượng được TGPL, nhu cầu TGPL, nắm bắt được tình hình an ninh – xã hội, những vấn đề “nóng”, những vướng mắc của nhân dân về pháp luật để phục vụ hoạt động TGPL lưu động một cách tốt nhất. Thực tế cho thấy, những đợt TGPL lưu động nào mà công tác khảo sát được thực hiện tốt thì ngay từ đầu giữa Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh và chính quyền địa phương đã có sự thống nhất về kế hoạch làm việc, phân công cán bộ Phòng tư pháp, lãnh đạo UBND cấp xã, cán bộ tư pháp – hộ tịch, cán bộ chính sách – xã hội, cán bộ địa chính,…cùng tham gia với đoàn TGPL lưu động để trực tiếp đối thoại với bà con, giải đáp vướng mắc của người dân về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước tại địa phương. Hiệu quả của buổi TGPL cũng vì thế mà được nâng lên.
Việc chính quyền địa phương tham gia đối thoại, trả lời trực tiếp với nhân dân ngay tại buổi TGPL lưu động giúp việc chuyển tải các quy định của pháp luật đến bà con hiệu quả, thiết thực hơn. Những băn khoăn, thắc mắc của bà con về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý Nhà nước tại địa phương, nhất là chính sách đất đai, chính sách an sinh xã hội, quản lý hộ khẩu, hộ tịch... giúp cán bộ chính quyền cơ sở nắm được những tâm tư, tình cảm, vướng mắc của người dân, từ đó kịp thời giải quyết những bức xúc trong dân; tiếp nhận sự phản hồi của nhân dân về tinh thần, thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức để có sự điều chỉnh phù hợp.
Minh Tửu
Ý kiến bạn đọc