Multimedia Đọc Báo in

Thiết thực khóa tập huấn sơ, cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông

15:43, 25/07/2017

Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm 2017 (từ 16 – 11 – 2016 đến 15 – 5 – 2017), trên địa bàn tỉnh xảy ra 288 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 163 người, bị thương 261 người, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 43 vụ (17,6%), tăng 31 người chết (23,5%), tăng 17 người bị thương (6,9%). Trong đó, tai nạn nghiêm trọng và rất nghiêm trọng 151 vụ (chiếm hơn 52%) tổng số vụ. Điều này đồng nghĩa tỷ lệ tử vong và thương tật nặng sau các vụ tai nạn sẽ rất cao nếu không được sơ, cấp cứu ban đầu.

Học viên thực hành sơ cứu cho nạn nhân tại lớp tập huấn.
Học viên thực hành sơ cứu cho nạn nhân tại lớp tập huấn.

 Với mục tiêu giảm thiểu tỷ lệ tử vong đối với người bị TNGT, năm 2017 là năm thứ 4 Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh mở lớp tập huấn về sơ, cấp cứu cho các tình nguyện viên là cán bộ hội CTĐ, công an viên một số địa phương trong tỉnh, với sự tham gia của 32 tình nguyện viên đến từ huyện Cư M’gar và Ea Súp. Trong 2 ngày diễn ra lớp tập huấn (vào trung tuần tháng 7 – 2017), học viên được nắm thêm thông tin về trình tự các bước tiến hành sơ, cấp cứu nạn nhân bị TNGT như: đánh giá sự nguy hiểm tại hiện trường đối với người sơ cứu, nạn nhân và những người xung quanh; đánh giá sự đáp ứng của nạn nhân; kiểm tra và làm thông đường thở; kiểm tra mạch… Cũng trong đợt tập huấn lần này, học viên được học các bước sơ, cấp cứu đối với nạn nhân bị chảy máu do tai nạn và các tổn thương về xương, khớp tại hiện trường. Lần đầu tiên được tham gia lớp tập huấn, anh Đào Văn Thành Tâm, Phó chủ tịch Hội CTĐ xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) cho biết, Ya Tờ Mốt là xã vùng sâu của huyện, do đó, trong trường hợp người đi đường bị nạn để đến trung tâm y tế rất xa, đường đi lại khó khăn nên nếu được sơ cứu ban đầu tại hiện trường thì sẽ rất tốt cho nạn nhân. Thực tế, có nhiều vụ TNGT xảy ra tại các xã vùng sâu, do đường đi lại khó khăn nên khi nạn nhân đến được trung tâm y tế thì đã ngừng thở. Thậm chí có trường hợp lẽ ra không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng trong quãng đường di chuyển không được cầm máu nên bị mất máu nhiều dẫn đến tử vong. Còn anh Hồ Hữu Thịnh, công an viên xã Ya Tờ Mốt cho hay, mỗi vụ TNGT xảy ra, khi được người dân thông báo, công an viên địa bàn là người nắm thông tin sớm nhất, tuy nhiên, hầu hết chúng tôi không được trang bị kiến thức về sơ, cấp cứu nạn nhân ban đầu nên khi gặp vụ việc, chủ yếu bảo vệ hiện trường và gọi xe đưa nạn nhân đến trung tâm y tế. Qua lớp tập huấn này, bản thân anh và các tình nguyện viên khác nắm sơ bộ về quy trình sơ, cấp cứu nạn nhân. Với những kiến thức tiếp thu được, anh sẽ vận dụng vào thực tế tại địa bàn mình công tác, đồng thời truyền đạt đến các đồng nghiệp của mình.

Thực tế, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, 50% số nạn nhân tử vong do chấn thương xảy ra tức thì tại nơi gặp tai nạn, 30% xảy ra trong vòng 3 đến 4 giờ sau đó và chỉ có 20% bị tử vong khi điều trị tại bệnh viện. Trong vòng 1 giờ đầu sau khi xảy ra TNGT được coi là “giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân. Do đó, sơ, cấp cứu ban đầu được xem là giải pháp hạn chế tỷ lệ tử vong và thương tật do chấn thương đối với người bị nạn. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới, hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau TNGT do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng, đường thở bị tắc hoặc do bị mất máu nhiều, tất cả các vấn đề này đều có thể xử lý được nếu sơ, cấp cứu kịp thời.

Ông Bùi Văn Ngọc, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, vấn đề nâng cao năng lực sơ, cấp cứu ban đầu là yêu cầu cấp bách hiện nay, cũng là một trong những giải pháp thiết thực hạn chế tỷ lệ tử vong đối với nạn nhân TNGT. Theo ông, đưa nội dung tập huấn sơ, cấp cứu vào chương trình đào tạo, cấp giấy phép lái xe, hướng đến đối tượng là tài xế xe khách đường dài, taxi là hết sức cần thiết, bởi đây là những người thường xuyên lưu thông trên đường, khi gặp TNGT có thể hỗ trợ nạn nhân được ngay. 

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.