Multimedia Đọc Báo in

Còn lại chữ Nhân

15:13, 22/07/2017

Những bức thư của người tử tù gợi lên trong tôi nhiều suy nghĩ…

Bức thư thứ nhất, người tử tù xin lỗi gia đình người bị hại: “Buồng giam lạnh lẽo, tôi cô đơn lạnh lẽo đến tột cùng. Đã hơn bốn năm ở chốn lao tù này, giờ tôi mới thành thật xin lỗi hai bác. Tôi rất ân hận với tội lỗi tôi gây ra, giá như tôi được chết để con trai bác được sống. Nhưng thời gian không bao giờ quay lại. Tôi xin hai bác hãy tha thứ cho tôi để tôi được thanh thản đón nhận cái chết đến với mình như một lời xin lỗi. Án tử hình giết chết đời tôi, vành khăn tang tôi mang mãi trong tim”.

Kẻ giết người phải đền mạng là lẽ đương nhiên, hối hận thì đã muộn nhưng còn chút lương tâm le lói khi được cán bộ quản giáo Trại Tạm giam Đắk Lắk giáo dục và vận động để có lá thư xin lỗi muộn màng.

Còn đây là thư của người tử tù viết cho con gái mới hai tuổi: “Thành thật xin lỗi con gái yêu của bố. Bố đã mang lại đau khổ cho con, để rồi bạn bè cười chê con. Tuy bố đã mang tội giết người, cướp của nhưng trong kiếp người này của bố, bố rất yêu thương con, tình thương này bố dành cho con mãi mãi, không bao giờ phai nhạt con yêu ạ. Bố mong con mai sau khôn lớn con hãy đi học làm bác sĩ thật giỏi để chữa bệnh cho mọi người và chăm sóc ông bà thay bố. Vĩnh biệt con yêu của bố, ngàn lần xin lỗi con”.

Dân gian có câu: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Kẻ tội đồ di hại đời con, đã không lo được cho con, lại trao gánh nặng chăm sóc ông bà. Thật đáng giận, đáng thương. Hy vọng đứa con trị bệnh cứu người để vơi dần tội giết người, cướp của mà người bố đã phạm. Được giám thị, quản giáo động viên, giáo dục kiên trì, chữ “nhân” thắp lên cho tử tù, biết hối lỗi để thanh thản ra đi.

Trong phòng khách của Trại Tạm giam tỉnh Đắk Lắk, tủ kính trưng bày những vật thể do phạm nhân tạo tác khiến khách đến thăm chú ý.

Tầng trên là hình người, chim, thú, con rối và vật dụng hằng ngày do nhiều phạm nhân lưu tặng. Tất nhiên không được sử dụng một chút kim khí nào, dù chỉ là một chiếc ghim kẹp giấy để tránh điều đáng tiếc.

Tầng giữa là một loạt tượng phật, chất liệu bằng xà phòng. Dễ nhận ra Phật Di Lặc đang ngửa người, phưỡn bụng, miệng cười thật hả hê, khoan khoái. Tượng Thích Ca Mâu Ni đang đứng, chắc giảng kinh siêu độ chúng sinh. Tượng A Di Đà nghiêm trang, tai dài như lọc âm thanh từ bốn phương tám hướng để cứu khổ, cứu nạn. Nhìn tượng Phật rất có hồn, người can phạm đã dồn trí lực và cả tâm lực để nặn ra. Khi nặn tượng cũng là lòng thanh thản, hướng thiện, có Phật ở trong lòng, thanh thản trong lòng dù ở nơi giam giữ tù nhân. Người làm tượng Phật là can phạm Vương Quốc Trung, sinh năm 1983, mức án tù chung thân, đến nay mới ngoài ba mươi tuổi.

Tầng dưới cùng là một bầy công, có con to, con nhỏ, ngẩng đầu, vươn cổ, xòe cánh, xòe đuôi đang nhảy múa, đủ màu sặc sỡ thật sống động. Nguyên liệu làm ra chỉ là túi đựng mì tôm để vũ điệu loài công hiển hiện ngay trong hồn tử tù những lúc thăng hoa. Người làm ra bầy công này là Lò Văn Phượng, sinh năm 1995 mà năm 2016 đã thi hành án tử hình. Thật đáng tiếc tài hoa lầm lỡ.

Trại tạm giam còn có dãy nhà cấp bốn gồm mười phòng. Phòng nào cũng đủ giường chiếu, chăn gối. Với phạm nhân thì đây quả là phòng hạnh phúc, vì người thân đến thăm nuôi phạm được ở từ năm giờ chiều hôm trước tới bảy giờ sáng hôm sau, có nghĩa là mười bốn tiếng đồng hồ. (Nữ phạm nhân có cam kết không được mang thai khi ở trại nếu không muốn tăng khung hình phạt. Còn nam phạm nhân vẫn có quyền có con vì vợ là người tự do ngoài xã hội).

Chứng kiến sự ứng xử của trại với các can phạm thấy sáng lên chữ Nhân, khác hẳn với tưởng tượng của tôi khi tới trại là sẽ gặp những ánh mắt quắc lên hình viên đạn. Tôi càng hiểu hơn, yêu hơn một nghề tưởng như khô cứng lại lấp lánh vàng qua mục đích: “Bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc