Multimedia Đọc Báo in

Cấp, đổi giấy khai sinh, chứng minh nhân dân cho người lớn tuổi, người già neo đơn: Hoạt động đầy ý nghĩa của Công an huyện Cư Kuin

08:57, 26/08/2017

Xuất phát từ thực tế nhiều người lớn tuổi, người già neo đơn thường gặp khó khăn khi đi làm giấy tờ tùy thân, Công an huyện Cư Kuin đã chủ động tham mưu cho UBND huyện triển khai cấp, đổi giấy khai sinh và chứng minh nhân dân (CMND) cho bà con tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc làm có ý nghĩa rất thiết thực này đã giúp người dân tiết kiệm được thời gian, công sức và góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn huyện.

Mới đây, Công an huyện Cư Kuin đã triển khai cấp, đổi giấy khai sinh, CMND cho gần 200 người cao tuổi, người già neo đơn, bệnh tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Ea Bhốk. Hoạt động này khiến nhiều người dân rất cảm kích. Ông Y Lin Bđap (buôn Ea Khít, xã Ea Bhốk) năm nay đã gần 70 tuổi muốn làm lại CMND vì CMND cũ đã làm từ quá lâu nên mọi thông tin về ngày tháng năm sinh, quê quán, số, ngày cấp đã mờ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính cũng như các chế độ chính sách. Song, do nhà chỉ có hai ông bà già, việc cùng nhau ra Công an huyện để làm CMND rất khó khăn. Vì thế, khi được cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Cư Kuin về UBND xã làm lại CMND cho mình, ông Y Lin không giấu được niềm vui. Ông cảm động: “Vì nhà xa, tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu nên việc đến trụ sở Công an huyện để làm lại giấy CMND là điều rất khó đối với gia đình tôi. Được cán bộ Công an về tận xã làm mọi thủ tục giấy tờ, tôi vui lắm, nếu không cũng chẳng biết đến khi nào tôi mới đổi được CMND cho mình”.

Cán bộ, chiến sĩ Công an  huyện Cư Kuin  làm thủ tục  cấp giấy khai sinh và CMND cho người dân  xã Ea Bhốk.
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Cư Kuin làm thủ tục cấp giấy khai sinh và CMND cho người dân xã Ea Bhốk.

 

Từ đầu năm 2017 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Cư Kuin đã cấp, đổi gần 300 giấy khai sinh, CMND cho người già, người tàn tật, trong đó cán bộ, chiến sĩ Công an đến tận nhà làm CMND cho 40 trường hợp.

Cán bộ, chiến sĩ Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện còn thành lập tổ lưu động đến tận các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật để làm các thủ tục cấp mới hoặc đổi lại giấy CMND cho bà con. Vợ chồng ông Mai Văn Cường (81 tuổi) và bà Đinh Thị Sen (80 tuổi), ở thôn Lô 13, xã Dray Bhăng bị mất giấy CMND cách đây hơn 5 năm. Nhà chỉ có hai vợ chồng già sống với nhau, bà Sen bị tai biến, liệt nửa người suốt 3 năm nay, ông Cường cũng thường xuyên đau ốm, việc đi làm lại giấy CMND là chuyện vô cùng khó khăn. Vì vậy, ông rất vui và xúc động khi được cán bộ, chiến sĩ Công an huyện đến tận nhà làm các thủ tục cấp mới giấy CMND. Thế là mong muốn có một giấy CMND để thuận tiện trong khám, điều trị bệnh cũng như hưởng các lợi ích hợp pháp liên quan của vợ chồng ông Cường, bà Sen đã được thực hiện, nhờ sự nhiệt tình, tận tụy của các chiến sĩ Công an.

Theo Trung tá Nguyễn Trọng Quyết, Đội trưởng Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Cư Kuin cho biết, mỗi năm Công an huyện đều phối hợp với UBND các xã tổ chức các đợt cấp phát giấy khai sinh và làm CMND cho người dân. Các chiến sĩ Công an còn viết giúp bản khai thông tin cá nhân cho những người dân không biết chữ, không biết tiếng phổ thông. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhận được sự đồng thuận rất cao từ phía người dân, thể hiện tinh thần chiến sĩ “Công an nhân dân vì dân phục vụ” và chung tay thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới Công an huyện tiếp tục phối hợp với xã Hòa Hiệp, xã Cư Êwi tổ chức cấp phát giấy khai sinh và làm CMND cho người cao tuổi, người già neo đơn, tàn tật…; đặc biệt, đến tận các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số để làm giấy tờ cho bà con.    

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.