Hiểu đúng về thời hạn thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP
Vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng thông tin rằng từ ngày 4-7-2017, khi đăng ký khai sinh cho trẻ em, công dân không phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ hay không phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi đăng ký kết hôn…
Tuy nhiên, cần hiểu chính xác về thời hạn thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân theo quy định trong Nghị quyết số 58 ngày 4-7-2017 của Chính phủ.
Nghị quyết số 58/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp được Chính phủ ban hành ngày 4-7-2017. Theo phương án kèm theo Nghị quyết này, có 15 lĩnh vực với hàng loạt thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Tư pháp từ Trung ương đến địa phương sẽ được đơn giản hóa bằng cách bãi bỏ một số giấy tờ trong hồ sơ hoặc cho người dân lựa chọn giấy tờ phải xuất trình khi thực hiện thủ tục hành chính. Đáng chú ý có nhiều thủ tục hành chính được rút gọn theo hướng đơn giản hóa tối đa như: Bỏ bản sao sổ hộ khẩu, sổ tạm trú với thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam; bỏ văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân (bản sao Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản gốc nếu là giấy xác nhận tình trạng độc thân) của người nhận con nuôi trong hồ sơ xin nhận con nuôi; bỏ quy định người yêu cầu chứng thực (trường hợp là người Việt Nam) nộp bản sao giấy tờ tùy thân khi thực hiện thủ tục chứng thực; người xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam không cần xuất trình hoặc nộp giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam như Giấy khai sinh, giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha, mẹ, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu Việt Nam…
Cán bộ Sở Tư pháp hướng dẫn người dân làm thủ tục công chứng. |
Có thể nói, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp là rất phù hợp trong giai đoạn nước ta tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phương án được phê duyệt và để thực hiện nó cần có lộ trình, bước đi phù hợp và rất nhiều việc phải triển khai.
Theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 8-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 thì mục tiêu hướng tới là bảo đảm thống nhất về quản lý dân cư. Theo đó, thông tin cơ bản về công dân phải được quản lý tập trung, thống nhất từ khi công dân sinh ra (đăng ký khai sinh) đến khi chết (đăng ký việc tử) trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các Bộ, ngành, địa phương được quyền khai thác các thông tin cơ bản về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính; tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý Nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thông lệ quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; góp phần phát triển Chính phủ điện tử.
Quyết định này nêu hai giai đoạn để thực hiện mục tiêu trên. Trong đó, giai đoạn 1 (2013 - 2014) bao gồm các nhiệm vụ như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân; cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện các thủ tục xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trong đó xác định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân; để tra cứu thông tin về công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, thay thế cho việc xuất trình hoặc nộp bản sao hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính có thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); hệ thống hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư; rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư…
Giai đoạn 2 (2015 - 2020) bao gồm các nhiệm vụ như: Xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân; triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư. Theo đó, đến năm 2020, các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư được xây dựng, vận hành phù hợp với lộ trình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại Điều 2 Nghị quyết số 58/NQ-CP, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp căn cứ nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được thông qua, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, trong thời gian chờ việc hoàn thiện, đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành thì các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp vẫn được thực hiện theo các văn bản pháp luật hiện hành.
Nguyễn Thị Vân Anh
(Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc