Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong thu hồi đất rừng bị lấn chiếm ở Buôn Đôn

08:51, 25/09/2017

Huyện Buôn Đôn có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn với 115.424 ha, trong đó hàng nghìn héc-ta đã bị người dân lấn chiếm để lấy đất canh tác. Đã hơn 2 năm sau khi xây dựng phương án thu hồi diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm nhưng kết quả còn rất hạn chế.

Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn từ năm 2008 đến nay có 279 ha rừng bị 142 hộ chặt phá, lấn chiếm làm nương rẫy tại các Tiểu khu 462, 439, 460, 444, 467, 469. Tại các khu vực này, ngoài trồng cây, người dân đã dựng 40 chòi rẫy để ở lại trong quá trình sản xuất. Ông Lê Danh Khởi, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn cho biết, việc người dân canh tác trong khu vực vùng lõi của rừng gây khó khăn cho đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đơn vị chỉ có 14 nhân viên quản lý 10.229 ha rừng nhưng phải lập 2 trạm, với 6 người ở những khu vực bị người dân lấn chiếm vì chỉ sơ hở là người dân sẽ phát rừng, bao chiếm đất rừng mở rộng diện tích. Dù vậy, vẫn không thể ngăn chặn tuyệt đối việc lấn chiếm đất rừng, nên từ đầu năm đến nay, khu vực này lại xảy ra thêm 2 vụ phá rừng với diện tích 3,02 ha.

Một khu rừng bị phá để trồng sắn ở huyện Buôn Đôn.
Một khu rừng bị phá để trồng sắn ở huyện Buôn Đôn.

Để thu hồi diện tích đất rừng người dân đang bao chiếm, chủ rừng và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động người dân trả lại đất nhưng họ vẫn kiên quyết bám trụ lại rừng. Trong hai năm 2014 -  2015 UBND huyện Buôn Đôn đã xin chuyển đổi số diện tích đất rừng tại tiểu khu 439 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn để cấp đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-2015 theo Quyết định 755/QĐ-TTg, ngày 20–5–2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất gặp phải là một phần diện tích đang bị người dân lấn chiếm. Mặc dù địa phương hứa sẽ cấp lại cho mỗi hộ 1 ha đất để canh tác, ngoài ra những diện tích lấn chiếm địa phương lấy lại để cấp cho các hộ thiếu đất khác sẽ được đền bù 15 triệu đồng/ha nhưng những hộ lấn chiếm đất rừng vẫn không đồng ý. Chính vì vậy mà việc cấp đất theo Quyết định 755 ở đây không thực hiện được.

Ông Bùi Văn Khang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn cho biết, thực hiện Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 16-3-2012 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý vi phạm về phá rừng, các chủ rừng đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, qua đó xây dựng phương án thu hồi để trồng lại, UBND huyện Buôn Đôn đã xây dựng phương án chi tiết để xử lý đất rừng bị lấn chiếm, tuy nhiên khi triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn vì một số hộ  lấn chiếm đất rừng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đất ở và đất sản xuất. Do đó, việc giải tỏa, thu hồi nếu làm “căng” sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân nên biện pháp chủ yếu vẫn chỉ là tuyên truyền, vận động. 

“Hiện nay, chủ rừng cùng với địa phương tập trung lực lượng ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, hạn chế tối đa tình trạng này. Theo đó, từ năm 2012 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn đã khởi tố hình sự 4 vụ phá rừng trái phép với 5 đối tượng và xử phạt hành chính 11 đối tượng với tổng số tiền 355 triệu đồng”, ông Khang cho biết thêm.

Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn trên địa bàn có 7 đơn vị chủ rừng và 5 xã quản lý 115.424 ha rừng và đất lâm nghiệp. Từ năm 2008 đến nay, rừng của 7 đơn vị bị lấn chiếm khoảng 1.000 ha. Đối với hơn 6.000 ha rừng sản xuất được UBND tỉnh bàn giao cho địa phương năm 2008 đã bị lấn chiếm gần hết trước đó, chỉ còn lại một số ít diện tích là đồi đá, sông suối không thể canh tác. 


Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.