Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy

09:46, 27/10/2017
Với phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các cá nhân, tổ chức tham gia.
 
Để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác PCCC, thời gian qua lực lượng PCCC tỉnh đã tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH, nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành. Bên cạnh đó, Cảnh sát PCCC tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị hướng dẫn UBND cấp xã và người đứng đầu cơ quan, tổ chức thành lập 3.783 đội chữa cháy tại chỗ, trong đó có 1.485 đội PCCC dân phòng với 10.382 đội viên; 2.298 đội PCCC cơ sở với 12.263 đội viên; xây dựng 22 mô hình điển hình tiên tiến về PCCC.
 
Cảnh sát PCCC hướng dẫn các em thiếu nhi cách đeo mặt nạ chống độc trong chương trình trải nghiệm
Cảnh sát PCCC hướng dẫn các em thiếu nhi cách đeo mặt nạ chống độc trong chương trình trải nghiệm "Một ngày làm lính cứu hỏa".

Theo đánh giá của Đại tá Nguyễn Văn Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh, thông qua phong trào toàn dân tham gia PCCC, ý thức, trách nhiệm của các chủ cơ sở, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh về công tác PCCC đã được nâng lên. Đa số các cơ sở đều chấp hành và thực hiện đúng các quy định của Luật PCCC và các văn bản có liên quan. Nhiều cơ sở như: khách sạn, chung cư, trung tâm thương mại, siêu thị mới xây dựng đều thực hiện nghiêm công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, trang bị các phương tiện PCCC cũng như xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ để kịp thời xử lý các tình huống cháy nổ ban đầu. Công tác huấn luyện nghiệp vụ về công tác PCCC và CNCH được tăng cường, với sự tham gia đông đảo của người đứng đầu các cơ sở.

Thống kê của Cảnh sát PCCC tỉnh, từ ngày 30-6-2015 đến ngày 30-6-2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 83 vụ cháy, làm 1 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 13,1 tỷ đồng và 195,5 ha rừng. Qua kiểm tra 8.704 lượt cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 240 trường hợp, thu nộp ngân sách Nhà nước 444,55 triệu đồng. Trong số 83 vụ cháy thì có đến 80% số vụ có nguyên nhân cháy là do sơ suất trong sử dụng lửa sinh hoạt, sử dụng thiết bị điện không an toàn và vi phạm quy định về PCCC. Chính vì vậy, lực lượng Cảnh sát PCCC luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp quản lý, sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất cháy; khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện, gas, thắp hương thờ cúng và các biện pháp thoát nạn, cứu người, cứu tài sản khi có tình huống cháy, nổ xảy ra.

Cảnh sát PCCC hướng dẫn các em thiếu nhi sử dụng lăng vòi trong chương trình trải nghiệm “Một ngày làm lính cứu hỏa”.
Cảnh sát PCCC hướng dẫn các em thiếu nhi sử dụng lăng vòi trong chương trình trải nghiệm “Một ngày làm lính cứu hỏa”.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Định, tình hình cháy nổ, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, trong khi lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH của tỉnh hiện nay vẫn còn thiếu trang thiết bị, phương tiện nên công tác cứu chữa các vụ cháy lớn đôi khi cũng bị ảnh hưởng.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng công tác PCCC, Cảnh sát PCCC tỉnh sẽ tập trung xây dựng và huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, lực lượng dân phòng, bảo đảm mọi hoạt động PCCC trước hết phải được thực hiện bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến về PCCC.

Từ năm 2015 đến nay, Cảnh sát PCCC tỉnh đã tổ chức 146 lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC cho 9.487 người là đội viên các đội PCCC cơ sở, đội dân phòng và PCCC chuyên ngành; tổ chức 109 lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ và nói chuyện chuyên đề về công tác PCCC với 7.901 lượt người tham dự.

Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.