Bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng: Còn nhiều vấn đề đáng bàn
Thời gian gần đây, hàng loạt sai phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng bị cơ quan chức năng phanh phui đã dóng lên "hồi chuông" về công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động này.
Trên địa bàn Đắk Lắk, vụ việc lớn, gây chấn động dư luận nhất diễn ra tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Krông Bông (Agribank Krông Bông). Đến nay, ngoài ông Chu Ngọc Hải (33 tuổi, nguyên cán bộ tín dụng Agribank Krông Bông) bị bắt để điều tra về hành vi làm giả thủ tục, hồ sơ nhằm chiếm đoạt tài sản, còn có hàng loạt cán bộ, lãnh đạo của ngân hàng này vướng vòng lao lý vì bị tình nghi đã buông lỏng quản lý, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế để cấp dưới có cơ hội chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng.
Ngay sau đó, cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (Công an tỉnh) đã bắt tạm giam ông Đỗ Thái Vũ, Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Đắk Lắk (LienVietPostBank Đắk Lắk) và ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Phòng giao dịch Ea Kar (thuộc LienVietPostBank Đắk Lắk) để làm rõ hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, vào năm 2011 và 2012, khi ông Vũ còn là Giám đốc, ông Minh là cán bộ tín dụng tại Agribank Tân An đã làm khống 7 bộ hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt 10,5 tỉ đồng.
Ngân hàng NN - PTNT Chi nhánh Krông Bông. |
Cả hai vụ việc điển hình trên không chỉ gây thiệt hại về tài sản của ngân hàng mà còn khiến hàng loạt cán bộ, trong đó có những người đã gắn bó gần trọn cuộc đời với hoạt động ngân hàng và đang giữ những vị trí quan trọng tại đơn vị. Nói vậy để biết rằng, với họ, quy trình hoạt động, các nguyên tắc công tác của cá nhân, đơn vị mình họ đều nắm rất rõ. Đặc biệt, họ cũng hiểu hậu quả sẽ ra sao nếu sai phạm bị phát hiện. Vậy, tại sao họ vẫn vướng sai phạm? Theo một cán bộ làm việc lâu năm trong ngành Ngân hàng, ranh giới giữa đúng – sai trong lĩnh vực này rất mong manh. Theo quy định của hầu hết ngân hàng, mỗi người, mỗi vị trí chỉ được phép nắm một vài khâu trong toàn bộ quy trình xét duyệt hồ sơ. Quy trình này được xây dựng khá chặt chẽ, bảo đảm được sự an toàn trong hệ thống hoạt động. Thế nhưng, có thể vì “cả nể”, quá tin tưởng nhau, hay vì chung mục đích nào đó, nhiệm vụ của người này lại được giao cho người khác “làm thay”. Thế là sai phạm lập tức có cơ hội nảy sinh. Ở trường hợp khác, vì lý do nào đó một số người thực thi nhiệm vụ, biết rõ sai phạm, nhưng vẫn bất chấp để thực hiện hành vi của mình. Cộng thêm việc quản lý thiếu chặt chẽ của các lớp kiểm soát, khiến sai phạm kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng.
Dù ở trường hợp nào, có thể thấy yếu tố "con người" vẫn là yếu tố quyết định. Do đó, mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi yêu cầu các đơn vị trong ngành ngân hàng triển khai thực hiện việc ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính đã có lưu ý yếu tố quan trọng này. Theo đó, trong hàng loạt các giải pháp bảo đảm an toàn, các tổ chức tín dụng cần rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các quy định, quy trình, chính sách nội bộ nhằm bảo đảm cán bộ, nhân viên thực hiện đúng quy trình, quy định nội bộ, quy định pháp luật và giảm thiểu rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng; kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành và nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ; phát triển và quản lý có hiệu quả đội ngũ cán bộ, nhân viên…
Đây là chỉ đạo xuất phát từ thực tiễn, từ những vụ việc cụ thể xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng trên cả nước. Bởi nếu không làm tốt công tác giáo dục tư tưởng cho cán bộ, nhân viên của mình, mọi quy trình, quy định đều có thể bị “vô hiệu hóa” bất kỳ lúc nào.
Trong hàng loạt các giải pháp bảo đảm an toàn, các tổ chức tín dụng cần rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các quy định, quy trình, chính sách nội bộ nhằm bảo đảm cán bộ, nhân viên thực hiện đúng quy trình, quy định nội bộ, quy định pháp luật và giảm thiểu rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng. |
Quốc Anh
Ý kiến bạn đọc