Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở vấn nạn ma túy ở Dhung Knung

10:27, 10/11/2017

Thôn Dhung Knung (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) có 110 hộ, chủ yếu là người Mường và Thái di cư từ Thanh Hóa vào làm ăn, sinh sống từ năm 1994. Nhiều năm qua, nơi đây được xem là “điểm nóng” về ma túy khiến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn diễn biến rất phức tạp.

Ông Nguyễn Xuân Biển, Trưởng thôn Dhung Knung cho biết, phần lớn người dân trong thôn đều chăm chỉ lo làm ăn phát triển kinh tế, duy chỉ có một bộ phận người Thái “dính” vào con đường nghiện ngập lâu nay vẫn chưa thể bỏ được. Tình trạng nghiện hút đã khiến cho thôn xóm xáo trộn, cuộc sống của người dân đầy bất an, nạn trộm cắp hoành hành…

Một buổi phát động quần chúng về an ninh trật tự do Công an huyện Krông Bông tổ chức trên địa bàn.
Một buổi phát động quần chúng về an ninh trật tự do Công an huyện Krông Bông tổ chức trên địa bàn.

Chúng tôi tìm đến gia đình ông P.B.D, một người Thái sống trong thôn. Căn nhà trông trống trải, lạnh lẽo, không bóng người và cũng không có thứ gì đáng giá. Một vài người hàng xóm cho biết, ông D. bỏ nhà đi vất vưởng khắp nơi không mấy khi thấy mặt. Vì nghiện ngập nên bao nhiêu tài sản trong nhà đều “không cánh mà bay”. Ông D. có 2 người con thì một đã đi lấy chồng ngoài Bắc còn 1 người làm ăn xa ở đâu không ai biết. Vợ ông là bà V.T.Q. cũng lo đi làm thuê cuốc mướn kiếm sống qua ngày nên nhà cửa bỏ trống.

Theo thống kê của Công an xã Cư Pui, năm 2017, địa phương ghi nhận 16 trường hợp nghiện ma túy, trong đó thôn Dhung Knung có đến 13 người. Theo ông Y Lanh Mlô, Trưởng Công an xã Cư Pui, số đối tượng sử dụng ma túy nêu trên thực hiện hành vi hút, chích một cách vụng trộm, rất khó bắt quả tang nên công tác răn đe, giáo dục gặp nhiều khó khăn. Những đối tượng từng bị lực lượng chức năng phát hiện và yêu cầu đến trung tâm cai nghiện nhưng họ đều lựa chọn cai tại nhà.

Trưởng thôn Dhung Knung Nguyễn Xuân Biển (bìa phải) trao đổi cùng công an viên của thôn về tình hình nghiện hút trên địa bàn.
Trưởng thôn Dhung Knung Nguyễn Xuân Biển (bìa phải) trao đổi cùng công an viên của thôn về tình hình nghiện hút trên địa bàn.

Ông Trần Thế Thành, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho biết thêm, thời gian qua, cấp ủy và chính quyền đã triển khai nghị quyết chuyên đề về địa bàn không ma túy; phối hợp với Công an huyện, Công an tỉnh tổ chức phát động quần chúng đồng thời thực hiện nhiều biện pháp để răn đe, giáo dục các đối tượng nghiện ngập… Tuy nhiên, vấn đề cai nghiện ở một xã nghèo như Cư Pui vẫn còn lắm gian nan, mà nguyên nhân chính là do ý thức của một số người dân dẫn đến khó quản lý đối tượng nghiện cai tại cộng đồng.

Thực tế cho thấy, để ngăn chặn, đẩy lùi, xóa bỏ “điểm nóng” về ma túy ở Dhung Knung, thiết nghĩ các cấp, ngành, đoàn thể cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác vận động quần chúng cũng như sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời ngăn chặn nguồn thuốc cung cấp cho các đối tượng nghiện.

Lê Ngân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.