Multimedia Đọc Báo in

Vì bình yên xóm làng

08:02, 05/01/2018

Những năm qua, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) đã xây dựng nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT), góp phần ổn định, giữ bình yên địa bàn.

Theo Trưởng Công an xã Ea Kpam Lê Đăng Lương, trước đây, tình hình ANTT nơi đây khá phức tạp, nổi lên là tình trạng đánh nhau, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng... Trước tình hình đó, Công an xã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm ANTT; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, phát động sâu rộng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; đồng thời thường xuyên thông báo cho nhân dân biết phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức phòng ngừa, tích cực tham gia phát hiện, tố giác, truy bắt tội phạm...

Lực lượng Công an xã Ea Kpam tuần tra bảo vệ cà phê cho người dân trên địa bàn.
Lực lượng Công an xã Ea Kpam tuần tra bảo vệ cà phê cho người dân trên địa bàn.

Công an xã tham mưu cho UBND xã triển khai mô hình “Thôn không có tội phạm hình sự” tại thôn 2 và thôn 3 là địa bàn có nhiều vụ việc nổi cộm. Theo đó, mỗi thôn thành lập “Tổ an ninh nhân dân tự quản” với 10 thành viên, thường xuyên tuần tra ngày 3 lần vào trưa, chiều và đêm; giám sát chặt chẽ trường hợp thanh - thiếu niên tụ tập đông hoặc người lạ vào thôn, phát hiện trường hợp vi phạm sẽ kịp thời xử lý. Tổ cũng phân công từng thành viên gặp gỡ, giúp đỡ, động viên, kết hợp cùng gia đình cảm hóa, giáo dục các đối tượng thanh - thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật để họ ngày càng tiến bộ; ghi nhận phản ánh của nhân dân có liên quan đến tình hình ANTT...

Vào mùa thu hoạch cà phê hằng năm, Công an xã triển khai kế hoạch thắt chặt an ninh, bảo đảm an toàn cho người dân trong suốt thời gian thu hái. Cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhân hộ khẩu; đề nghị các đại lý thu mua nông sản không thu mua cà phê do trộm cắp mà có, nếu gặp đối tượng có biểu hiện nghi vấn thì báo cho chính quyền; vận động người dân không vận chuyển cà phê từ 21 giờ đêm đến 5 giờ sáng… Qua thực hiện mô hình, người dân ý thức được việc bảo vệ ANTT là bảo vệ cho gia đình mình và tự giác giáo dục con cháu chấp hành pháp luật, giữ gìn ANTT; tích cực trong phát hiện, tố giác tội phạm. Đơn cử, khoảng 10 giờ ngày 5-4-2017, Công an xã được người dân báo tin về việc nhà ông Lê Văn Hoa (thôn Tân Lập) bị kẻ gian đột nhập lấy đi 60 kg phấn hoa và nhiều sản phẩm từ ong, trị giá gần 20 triệu đồng. Lần theo dấu vết, Công an xã đã phát hiện bắt giữ đối tượng nghi vấn chuyển cho Công an huyện điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Anh Nguyễn Hùng Vĩ, Phó trưởng Công an xã Ea Kpam giới thiệu về mô hình “Tiếng kẻng an ninh”.
Anh Nguyễn Hùng Vĩ, Phó trưởng Công an xã Ea Kpam giới thiệu về mô hình “Tiếng kẻng an ninh”.
 

“Từ khi thực hiện các mô hình tự quản về ANTT, tình hình ANTT trên địa bàn xã  ổn định hơn, tệ nạn xã hội hầu như không còn; quần chúng nhân dân luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm. Ngoài ra, nhân dân tự nguyện đóng góp, xây dựng hệ thống điện thắp sáng ban đêm nhằm ngăn chặn hoạt động của bọn tội phạm và hạn chế tai nạn giao thông”

 
 
Trưởng Công an xã Ea Kpam Lê Đăng Lương

Được thành lập từ năm 2012, mô hình “Thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc” ở thôn 1 đã và đang mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua các buổi họp thôn, các gia đình được phổ biến, tuyên truyền về công tác dân số, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Từ đó, các cặp vợ chồng ý thức hơn trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, hạn chế được tình trạng bạo lực gia đình, góp phần xây dựng thôn xóm bình yên.

Một trong những mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, được triển khai sớm nhất tại tất cả các địa phương trong xã là “Tiếng kẻng an ninh”. Gần 10 năm nay, người dân trong xã dường như đã quen với tiếng kẻng thông báo giờ “giới nghiêm”. Đúng 22 giờ hằng đêm, Công an viên ở thôn, buôn sẽ đánh một hồi 3 tiếng kẻng để thông báo cho nhân dân biết đã đến giờ đi ngủ, kiểm tra khóa cổng, khóa cửa và xung quanh nhà để tránh sơ hở dẫn đến mất trộm. Tổ an ninh cũng thường xuyên thay phiên nhau đi tuần tra tại các tuyến đường chính sau giờ giới nghiêm để nắm tình hình ANTT. Anh Nguyễn Văn Vinh (Công an viên thôn 6) cho biết: “Trước đây, trong thôn có tình trạng thanh - thiếu niên đi chơi khuya, tụ tập tại các bãi đất rộng hay các đoạn đường giao nhau dẫn đến xích mích, xô xát, hay tại các đám cưới thường có những hoạt động văn hóa, văn nghệ kéo dài đến nửa đêm gây ảnh hưởng đến làng xóm... Từ ngày có tiếng kẻng an ninh, ý thức của người dân được nâng lên rõ rệt, cứ 22 giờ đêm, khi nghe tiếng kẻng, tất cả đều tự giác giữ gìn trật tự cho xóm làng”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.