Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng quy ước thôn, buôn: Phải xuất phát từ động lực nội tại và dựa trên nền tảng văn hóa cộng đồng

11:06, 20/01/2018

Quy ước có thể hiểu là bản điều lệ tự quản của cộng đồng dân cư. Trong xã hội truyền thống, hương ước của người Kinh và luật tục của các tộc người thiểu số là công cụ chủ yếu để điều tiết các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng.

Ngày nay, với mục đích tránh xu hướng tự phát, tùy tiện trong việc xây dựng hương ước, quy ước, đồng thời bảo đảm hương ước không có nội dung mang tính chất hủ tục, mê tín dị đoan, mâu thuẫn với luật pháp hoặc bị lợi dụng làm công cụ phục vụ lợi ích của một nhóm người, một dòng họ, Nhà nước đã có những quy định về trình tự, thủ tục xây dựng chặt chẽ trong đó có vai trò thẩm định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo đảm sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này.

Việc xây dựng và thực hiện Quy ước thôn, buôn được gắn liền với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Chính quyền cấp cơ sở nhiều nơi đã nỗ lực sử dụng kết hợp các hình thức khác nhau để tuyên truyền cho người dân về bản quy ước thôn, buôn. Các bản quy ước sau khi được phê duyệt đã được phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn bằng các hình thức như: phát đến từng hộ gia đình; phổ biến qua hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn; qua hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể; niêm yết tại UBND cấp xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; đặc biệt là thông qua các cuộc họp thôn, buôn, tổ dân phố...

Diễn tấu cồng chiêng tại Nhà văn hóa cộng đồng buôn M’liêng,  xã Đắk Liêng  (huyện Lắk).   Ảnh: L.Anh
Diễn tấu cồng chiêng tại Nhà văn hóa cộng đồng buôn M’liêng, xã Đắk Liêng (huyện Lắk). Ảnh: L.Anh

Mặc dù vậy, không có nhiều người dân biết rõ nội dung cụ thể của bản quy ước và rất ít trường hợp vi phạm quy ước được ghi nhận bị “trừng phạt”. Nhiều bản quy ước sao chép của nhau hoặc sao chép máy móc các quy định của pháp luật, do vậy không thể hiện được nét riêng, nét đặc trưng của từng địa phương.

Dường như việc triển khai xây dựng quy ước đang được thực hiện mang tính chất ngoại trị, thiếu vắng động lực nội tại. Cụ thể, việc xây dựng quy ước ở nhiều nơi không xuất phát từ nhu cầu nội tại của cộng đồng nên đã có sự triển khai trên bình diện rộng mà không chú ý tới sự khác biệt giữa các cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, dưới sự tác động của quá trình hiện đại hóa, mối quan hệ gắn kết cộng đồng làng xã, trong đó bao gồm cả: cộng cư (cùng chung sống trong làng), cộng đồng (cùng tộc người, cùng dòng họ), cộng cảm (cùng tín ngưỡng, hưởng thụ và tham gia trong không gian diễn xướng văn học nghệ thuật…) đã bị phá vỡ. Điều này dẫn tới sự gắn bó giữa các thành viên để cùng nhau thực hiện một quy ước không còn như xưa. Thật khó hình dung một khối phố, một cụm dân cư có sự đa dạng về tộc người, về nghề nghiệp, về thu nhập... có thể cùng nhau xây dựng nên một bản quy ước mang màu sắc riêng. Hơn nữa, do xuất phát từ nhu cầu điều tiết xã hội tại cộng đồng nên hương ước xưa nói nhiều tới việc chức dịch xã làm sai điều ước. Ngày nay, trưởng thôn, buôn, khối phố... đóng vai trò đại diện hơn là quyền uy. Họ được chính quyền bổ nhiệm, đóng vai trò là trung gian giữa chính quyền với dân làng. Theo chiều hướng ngược lại, họ chịu trách nhiệm chuyển lên chính quyền các khiếu nại, bất đồng của dân làng mà làng không giải quyết được.

Nên xem xét việc có cần thiết xây dựng quy ước ở những cụm dân cư có sự đa dạng về tộc người, về nghề nghiệp, về thu nhập..., nơi mà các thành viên trong cộng đồng khó có thể cùng nhau xây dựng nên một bản quy ước mang màu sắc riêng. Vấn đề này cũng nên được xem xét ở những vùng dân tộc thiểu số mà luật tục còn hiện diện khá rõ và đang có hiệu lực thực tế trong quản lý cộng đồng. 

Việc rà soát nhu cầu nội tại của cộng đồng nên được thực hiện như bước đi đầu tiên trong quy trình xây dựng và ban hành quy ước. Bên cạnh đó, để hình thành động lực nội tại từ người dân, từ cộng đồng trong việc xây dựng và thực hiện hương ước thì việc này cần gắn với những nhu cầu nội tại của người dân như: quyền được tham gia bàn bạc, thảo luận, quyết định những vấn đề có liên quan lợi ích của họ; quyền được bảo vệ; quyền được sống trong môi trường trong sạch, an toàn; nhu cầu được thăm hỏi, động viên khi đau ốm, bệnh tật hay gia đình có những sự kiện lớn như tang ma, cưới hỏi…

Trên thực tế, già làng, trưởng thôn, buôn và người có uy tín của cộng đồng đang là những nhân vật chủ chốt trong việc tổ chức thảo luận, xây dựng nên bản quy ước trong cộng đồng trên một nguyên tắc hướng tới việc giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa cộng đồng, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.  Do vậy, cần có cơ chế để khuyến khích, hỗ trợ, phát huy vai trò của họ trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện quy ước.

Bên cạnh đó, việc đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo ở các địa phương cần được chú ý bổ sung phần kiến thức liên quan tới văn hóa, truyền thống, phong tục, luật tục và tín ngưỡng của các cộng đồng tộc người thiểu số tại chỗ. Giải pháp này được xem như là điều kiện để giải quyết mối quan hệ giữa chính quyền, già làng và người có uy tín. Các thành viên cộng đồng dân tộc thiểu số có thể dễ dàng tiếp nhận, tuân thủ chuẩn mực một cách tự nguyện nếu như cán bộ chính quyền vừa hiểu về luật pháp lại hiểu về văn hóa, luật tục của cộng đồng; già làng vừa am hiểu truyền thống văn hóa lại hiểu biết về luật pháp.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.