Multimedia Đọc Báo in

Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng:

Nâng cao chất lượng, số lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý

11:36, 12/01/2018

Thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 4-7-2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện KSND tối cao, TAND tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng và Kế hoạch số 01/KH-HĐPH ngày 4-1-2017 của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2017, trong năm 2017, Hội đồng phối hợp liên ngành (PHLN) về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả.

Các hoạt động như: tham mưu và trình cấp có thẩm quyền kiện toàn Hội đồng PHLN và tổ giúp việc; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động của Hội đồng PHLN; tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách TGPL và quyền yêu cầu TGPL cho người được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc; xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng… đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn công tác TGPL về tố tụng nói riêng và công tác TGPL nói chung. Đồng thời, nâng cao số lượng, chất lượng các vụ việc TGPL được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng hình sự và các vụ việc tư vấn pháp luật tiền tố tụng. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng PHLN, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL là bị can, bị cáo, người bị tạm giam…

Cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh tư vấn pháp luật cho người dân.    Ảnh: H. Chuyên
Cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh tư vấn pháp luật cho người dân. Ảnh: H. Chuyên

Cụ thể, trong năm 2017, Hội đồng PHLN đã phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng cử người thực hiện TGPL tham gia tố tụng 356 vụ việc cho 356 đối tượng, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2016; trong đó, có 175 vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu và đề nghị Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cử người thực hiện TGPL (chiếm khoảng 49% tổng số vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng). Số còn lại do Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tiếp nhận, cử trợ giúp viên pháp lý và luật sư là cộng tác viên thực hiện theo yêu cầu của đối tượng được TGPL. Đối tượng được TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng hầu hết là người dân tộc thiểu số sống tại vùng 3 và các thôn, buôn đặc biệt khó khăn, người chưa thành niên, người nghèo, người có công với cách mạng.

Số vụ việc do trợ giúp viên pháp lý đảm nhận ngày càng tăng và đạt chất lượng tốt (chiếm 63% tổng số vụ việc tham gia tố tụng, gấp 1,7 lần số vụ việc do luật sư là cộng tác viên tham gia); 100% trợ giúp viên pháp lý đã bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng; đặc biệt, có tới 186 vụ án/356 vụ người thực hiện TGPL tham gia từ giai đoạn điều tra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: tuy số lượng vụ việc tham gia tố tụng tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng số vụ việc thực hiện giữa các địa phương chưa đồng đều, như TX. Buôn Hồ không có vụ việc nào do cơ quan tố tụng yêu cầu cử người thực hiện TGPL. Bên cạnh đó, các vụ việc đã phát sinh chủ yếu tập trung trong các vụ việc hình sự, số vụ việc dân sự, hành chính còn ít; một số cơ quan tố tụng không thông báo lịch xét xử hoặc thông báo sát ngày xét xử, gây khó khăn trong việc bố trí thời gian tham gia phiên tòa của người thực hiện TGPL; một số tòa án không gửi bản án cho người thực hiện TGPL để thực hiện việc đánh giá chất lượng vụ việc và lưu trữ hồ sơ theo quy định. Ngoài ra, vẫn còn số ít cơ quan tố tụng các cấp chưa phổ biến đầy đủ chính sách TGPL và quyền yêu cầu TGPL cho đối tượng trong các vụ án nên kết quả công tác phối hợp chưa cao ở một số địa phương; trình độ, kỹ năng tham gia tố tụng của một số trợ giúp viên pháp lý và luật sư - cộng tác viên còn hạn chế, quá trình tranh tụng còn thể hiện sự non yếu về bản lĩnh và kiến thức chuyên môn.

Nhằm tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được và khắc phục những hạn chế, trong năm 2018, Hội đồng PHLN sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông về pháp luật TGPL và các văn bản liên quan về TGPL theo Luật TGPL năm 2017 trong hoạt động tố tụng đến người dân, cán bộ, công chức và các cơ quan thành viên Hội đồng PHLN để hoạt động trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả cao; nâng cao số lượng, chất lượng vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng trên cơ sở sự phối hợp đồng bộ thường xuyên của cơ quan tố tụng và người thực hiện TGPL trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Hội đồng PHLN sẽ đề ra các biện pháp phù hợp để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong hoạt động phối hợp liên ngành; tập trung vào việc tăng cường hoạt động truyền thông, tăng cường quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng; tổ chức trao đổi kinh nghiệm tham gia tố tụng cho đội ngũ người thực hiện TGPL tại Trung tâm TGPL…

Thu Hương


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.