Giúp người lầm lỗi sớm hoàn lương
Thời gian gần đây, Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đứng trên địa bàn xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa những người lỡ sa chân vào ma túy, giúp họ sớm tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.
Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh (gọi tắt là cơ sở) hiện có 309 học viên; trong đó, cai nghiện bắt buộc 232 người, cai nghiện tự nguyện 49 người và 28 học viên thuộc đối tượng xã hội do các đơn vị Công an tạm gửi. Trong năm 2017, số học viên được xét miễn, giảm thời gian điều trị là 231 học viên; trong đó, miễn hết thời gian 34 học viên và giảm thời gian điều trị 197 học viên. Anh Nguyễn Ngọc Kia, Phó Giám đốc cơ sở cho hay: “Ở đây, ngoài nhiệm vụ giúp học viên cai nghiện, chúng tôi còn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từng đối tượng để tạo sự chuyển biến về tư tưởng, giúp họ sớm hoàn lương. Các học viên khi vào đây đều được học nội quy, quy chế, các văn bản quy phạm pháp luật; được đào tạo nghề, làm nghề, lao động trị liệu và làm công tác phục vụ tùy theo khả năng, năng lực từng người; có thu nhập theo định mức ngày công lao động hoặc từ kết quả của các sản phẩm làm nghề”.
Học viên tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh tham gia lao động, sản xuất. |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả tại thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar) nên từ nhỏ anh Đỗ Hải Liêm (SN 1987) được cha mẹ hết mực chiều chuộng. Khi đang học THPT, Liêm nghe một số bạn bè xấu rủ rê bỏ học, bỏ nhà ra đi và “thử” ma túy. Từ đó, bao nhiêu của cải trong nhà đều “đội nón ra đi” theo làn khói trắng, khi gia đình phát hiện ra thì cậu con trai đã nghiện một thời gian khá dài, gia đình đã nhiều lần đưa đến các trung tâm cai nghiện nhưng Liêm vẫn không thể từ bỏ.
Đầu năm 2017, gia đình một lần nữa đưa Liêm đến Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh. Từ ngày vào đây, Liêm không chỉ được “cắt cơn” mà còn được lao động, học nghề và được hưởng thù lao từ những sản phẩm do chính mình làm ra, từ đó anh dần tỉnh ngộ, quyết tâm đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”. Liêm tâm sự: “Những lúc tĩnh tâm tôi suy nghĩ rất nhiều về những tháng ngày lầm lỗi, những gì gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội. Khi được cán bộ, giáo viên tận tình giúp đỡ, tôi càng hối hận và quyết tâm cai nghiện”. Theo nhận xét của anh Đỗ Danh Nguyên (cán bộ Phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng tại cơ sở), Liêm rất tích cực học tập, lao động, chấp hành đúng các quy chế, nội quy. Qua gần một năm điều trị, Liêm được học và nắm bắt rất nhanh nghề trồng trọt, nấu nướng. Hy vọng sau khi cai nghiện thành công, Liêm sẽ kiếm được việc làm phù hợp với chính nghề đã được học ở đây để có thể nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.
Anh Đỗ Hải Liêm (bìa phải) làm nghề đan ghế nhựa. |
“Trong năm 2017, có rất nhiều học viên tích cực rèn luyện được khen thưởng bằng các hình thức như: biểu dương, tạo điều kiện gặp người thân, giảm thời gian chấp hành quy định tại cơ sở. Đặc biệt, có gần 100 em được đề nghị giảm và một số khác được miễn thời gian điều trị”.
Phó Giám đốc Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Nguyễn Ngọc Kia
|
Tương tự, anh Nguyễn Hữu Khiêm (SN 1982, trú phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), mặc dù đã có vợ và hai con nhỏ nhưng vẫn bị bạn xấu rủ rê sa vào con đường nghiện ngập từ năm 2012. Mới đây, anh được gia đình đưa vào cơ sở này để cai nghiện. Sau khi điều trị cắt cơn, anh được cán bộ, giáo viên hướng dẫn kỹ thuật đan ghế nhựa, bây giờ anh đã làm thành thạo một số công đoạn nên càng chăm chỉ lao động. Anh Khiêm chia sẻ: “Khi vào đây, gặp những người cùng cảnh ngộ và được cán bộ, giáo viên tận tình khuyên bảo, tôi thấy ân hận về những tháng ngày đã qua và sẽ quyết tâm cai nghiện để về với vợ con. Tôi cố học nghề cho thành thạo để sau này về nhà có thể kiếm sống được bằng nghề này”.
Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều học viên đang cai nghiện ở đây được đào tạo nghề để sau này hòa nhập cộng đồng. Thời gian qua, Ban Giám đốc cơ sở còn chủ động liên hệ với các đối tác để mở một số nghề, vừa tạo điều kiện cho học viên lao động trị liệu, vừa giúp học viên có thêm thu nhập từ chính sản phẩm mình làm ra. Trong năm 2017, cơ sở đã mở 3 lớp dạy nghề miễn phí là mây tre đan, chăm sóc cà phê và gia công tại chỗ (đan ghế nhựa) cho khoảng 105 học viên. Nhiều học viên được sắp xếp thành các đội, tham gia trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng cảnh quan môi trường trong khuôn viên cơ sở.
Với sự tận tụy, gần gũi của cán bộ, giáo viên cùng công tác đào tạo nghề miễn phí của cơ sở và các đơn vị liên quan, hy vọng rằng, con đường tái hòa nhập của các đối tượng từng lầm lỡ sẽ ngày càng gần hơn.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc