Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm

15:53, 28/02/2018

Trên cơ sở Kế hoạch công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2017, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra công tác thi hành pháp luật lĩnh vực an toàn thực phẩm tại 8 đơn vị, gồm: Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Cư M’gar, Krông Ana, M’Đrắk, Ea Súp.

Qua kiểm tra cho thấy: các sở được giao quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm và UBND cấp huyện đã chủ động triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và theo chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên; đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo liên quan đến triển khai các hoạt động về vực an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm cũng đã được triển khai thực hiện với nhiều hình thức; các điều kiện bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cũng đã được các đơn vị, địa phương bố trí. Các đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch và tổ chức hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Công tác tiếp nhận và thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm đã được các sở chuyên ngành và UBND cấp huyện triển khai, thực hiện theo quy định.

Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của tỉnh kiểm tra chất lượng thực phẩm tại siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột.   Ảnh: K. Oanh
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của tỉnh kiểm tra chất lượng thực phẩm tại siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột. Ảnh: K. Oanh

 Tuy nhiên, công tác thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, như: việc tham mưu ban hành văn bản triển khai thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các sở quản lý chuyên ngành còn chưa kịp thời; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm chưa được tổ chức thường xuyên. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong triển khai thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ, chủ yếu tập trung ở các dịp cao điểm. Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại cấp huyện triển khai chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp; lĩnh vực công thương hầu như còn bị bỏ ngỏ, ít có các hoạt động triển khai. Việc xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm của người có thẩm quyền trong quá trình thiết lập hồ sơ và xử lý vi phạm còn một số sai sót trong áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Thông qua hoạt động kiểm tra cho thấy còn có những bất cập trong công tác thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Đơn cử như: Số lượng văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm quá nhiều, gây khó khăn khi tra cứu, áp dụng thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, gây khó khăn cho cơ quan quản lý chuyên ngành khi tra cứu hệ thống văn bản đối với từng lĩnh vực để áp dụng trong thực thi công vụ. Các nhóm ngành hàng, sản phẩm/nhóm thực phẩm thông dụng, phổ biến hiện nay được phân cấp quản lý theo chuyên ngành, theo công đoạn gây khó khăn trong quản lý và dễ gây ra chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra nếu không có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các ngành chuyên môn.

Thực trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình; trình độ canh tác, công nghệ chế biến lạc hậu; vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng tác động trực tiếp đến thực phẩm gây khó khăn lớn cho quản lý an toàn thực phẩm.

Thiết nghĩ, để công tác thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm đạt hiệu quả trong thời gian tới, cần có sự chủ động của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và sự vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp, các ngành. Trong đó, cần nâng cao chất lượng tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn, bảo đảm văn bản ban hành được kiểm tra, theo dõi đầy đủ và phát huy tính hiệu lực của văn bản; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nhằm tránh được sự chồng chéo trong hoạt động; đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định về an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Tăng cường tổ chức thanh tra công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân và nâng cao công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến rộng rãi quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức đa dạng; tổ chức tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm, phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho các chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, hướng dẫn các cơ sở, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm. Các cấp ngành quan tâm kiện toàn cơ bản bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp; đặc biệt ở cấp xã cần phân công công chức kiêm nhiệm theo dõi an toàn thực phẩm.

Nguyễn Tuấn Quang

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.