Multimedia Đọc Báo in

Ngăn chặn tình trạng đốt pháo trong dịp Tết: Cần những giải pháp quyết liệt hơn

10:45, 23/02/2018
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Bệnh viện Mắt Tây Nguyên liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị tổn thương do đốt pháo. Đáng chú ý, có 6 ca trẻ em chơi đốt pháo bị thương tại mắt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực. 
 
Bác sĩ Trần Đình Tuấn (Bệnh viện Mắt Tây Nguyên) cho hay: “Bệnh nhân đa phần là các cháu học sinh đến từ các huyện trên địa bàn tỉnh. Người nhà bệnh nhân cho biết, nguyên nhân bị thương là do các cháu đốt pháo, pháo mua hoặc tự làm. Những trường hợp tổn thương nhẹ, bệnh viện đã lấy ra những dị vật do thuốc pháo bắn vào và cho về. Những ca tổn thương nặng thì phải nhập viện điều trị dài ngày. Nặng nhất là trường hợp cháu La Hoàng Quân (SN 2006, trú xã Ea Siên, TX. Buôn Hồ). Cháu Quân có mắt trái bị vỡ nhãn cầu, các bác sĩ phải múc bỏ nội nhãn cầu và sau này sẽ đặt mắt giả”.
 
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính từ 30 tháng Chạp đến ngày mùng 2 Tết Mậu Tuất 2018, cả nước có 190 người nhập viện do tai nạn pháo nổ, tăng gấp rưỡi so với Tết Đinh Dậu 2017. Đó chỉ là con số mà các cơ quan chức năng thống kê được bởi đã xảy ra tình trạng một số người bị tai nạn do pháo nhưng không nhận mình bị thương do nổ pháo! 
 
Đây là con số rất đáng báo động liên quan đến ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân về hành vi vận chuyển, mua bán và sử dụng pháo nổ. Tình trạng trên cho thấy, công tác quản lý của lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương còn nhiều lỏng lẻo, chưa kiên quyết xử lý nên vẫn xảy ra phổ biến tình trạng người dân sử dụng pháo lậu trong dịp Tết.
 
Một vụ  vận chuyển  pháo nổ  trên Quốc lộ 14 được Chi cục  Quản lý thị trường tỉnh phối hợp  với Trạm Cảnh sát giao thông  Krông Búk  phát hiện,  thu giữ.    Ảnh: Đ. Lan
Một vụ vận chuyển pháo nổ trên Quốc lộ 14 được Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Krông Búk phát hiện, thu giữ. Ảnh: Đỗ Lan
Năm 1994, trước tình trạng người dân sản xuất, buôn bán và đốt pháo gây thương vong nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường, lãng phí tiền của, tình trạng buôn bán pháo lậu ảnh hưởng đến an ninh trật tự, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406/CT-TTg ngày 8-8-1994 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Chỉ thị ra đời đã ngăn chặn hiểm họa, tác hại và những hệ lụy phát sinh từ sử dụng pháo, được hầu hết người dân đồng tình ủng hộ và kể từ đó tình trạng người chết do pháo nổ ít khi xảy ra. 
 
Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng sản xuất, buôn bán và đốt pháo bất hợp pháp có xu hướng gia tăng. Trước Tết, lực lượng chức năng đã ra quân truy quét nhưng không thể ngăn chặn tình trạng sử dụng pháo, cho thấy nhu cầu sử dụng pháo bất hợp pháp của một bộ phận người dân vẫn còn, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, do hiếu kỳ, muốn chứng tỏ bản thân, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế... Có cung thì ắt có cầu, bằng chứng là hàng loạt vụ việc vận chuyển pháo lậu trái phép được lực lượng chức năng phát hiện và xử lý trước Tết.
 
Các hành vi sản xuất, buôn bán và đốt pháo đã có chế tài xử lý được quy định cụ thể. Chẳng hạn, trường hợp sử dụng các loại pháo mà không được phép sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng, bị tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm theo quy định tại Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ. Hành vi đốt pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “gây rối trật tự công cộng”. Tuy đã có chế tài xử lý nhưng cơ quan, người có thẩm quyền thiếu kiên quyết, chưa xử lý triệt để; hành vi đốt pháo xảy ra trong thời điểm nhạy cảm, khó phát hiện, chủ yếu vào đêm Giao thừa nên cơ quan có thẩm quyền thiếu chứng cứ để xử lý.
 
Để ngăn chặn tình trạng đốt pháo, nhiều địa phương đã chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm, tuy nhiên đây cũng không phải là biện pháp chủ yếu, lâu dài để hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Thiết nghĩ, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; nâng cao tinh thần tố giác của quần chúng nhân dân đối với hành vi vi phạm... Cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt mới có thể hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán và đốt pháo trái phép, để không còn những thương tích đáng tiếc do pháo nổ gây ra trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.
 
Đỗ Nhân – Trung Hải

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.