Multimedia Đọc Báo in

Hiểu đúng để thực hành đúng nghi thức tôn giáo

07:18, 10/03/2018

Mùa lễ hội năm nào cũng “nóng” lên bởi những câu chuyện xảy ra phổ biến tại các điểm du lịch văn hóa tâm linh như đốt vàng mã, rải tiền lẻ tràn ngập, mê muội cầu tài lộc, chen lấn xô đẩy cướp lộc… Phật giáo là tôn giáo của trí tuệ và từ bi nhưng nhiều người đi lễ chùa không phải vì giáo lý đạo Phật mà theo xu hướng đám đông nên đã có những sự lệch lạc trong quan niệm về Phật giáo.

Nhiều người đi lễ chùa không mấy bận tâm đến giáo lý Phật dạy. Đối với đa số phật tử hoặc những người yêu mến không gian thanh tịnh của chùa chiền, nếu tìm hiểu hoặc được nghe giảng, chắc cũng sẽ hiểu được những điều cơ bản của Luật nhân quả và Tứ diệu đế. Luật Nhân quả với nguyên lý đơn giản là làm điều lành thì hưởng phước, làm điều ác thì chịu khổ đau. Triết lý ấy cho người ta thêm ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn, cám dỗ, có tinh thần dám làm dám chịu. Hiểu về Tứ diệu đế có thể tìm được con đường để thoát ly khổ đau, trầm luân. Từ chỗ hiểu những điều cơ bản của giáo lý ấy mà thực hành cho đúng, tránh gây tổn hại cho mình, cho đồng loại và môi trường mình đang sống.

Không khó để nhận ra rằng, cõi Phật chứ có phải cõi âm đâu mà đốt nhiều tiền, vàng mã cho người đã mất; công đức tiền ở chùa là để góp một phần cho ngôi chùa được tu sửa, bảo trì và lo nhang nến thắp chứ không phải để dành cho Đức Phật, sao có thể nhét tiền vào tay Phật? Đến chùa cầu xin những mong muốn cho bản thân và gia đình, nhưng đó chỉ là một cách đặt ra mục tiêu để phấn đấu chứ không phải cứ xin gì là được đấy. Phóng sinh là cứu mạng những con vật sắp bị giết chứ không phải con vật đang “tự do” thì nhốt lại để phóng sinh, để làm hại nó…

Không hiểu đạo thì dễ sinh ra thói mê tín dị đoan, thêm tâm lý chạy theo xu hướng đám đông nữa thì gây hệ lụy là điều dễ hiểu. Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, để đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của người dân và giúp người đi lễ chùa tránh được những hành vi sai lệch so với tinh thần Phật giáo thì việc hoằng pháp, tu học tại các ngôi chùa cần được thực sự chú trọng.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.