Multimedia Đọc Báo in

Lừa vay tiền qua sổ đỏ: chiêu thức cũ - nạn nhân mới

08:02, 09/04/2018

Đưa ra mức lãi suất cao để nhờ người quen đứng ra thế chấp sổ đỏ vay tiền rồi sau đó bỏ trốn do không có khả năng trả nợ là hình thức lừa đảo không còn xa lạ, thế nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương với chiêu thức cũ - nạn nhân mới.

Gần 1 tháng nay, bà Trần Thị Kim Dung (ở thôn 4, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar như “ngồi trên đống lửa” khi hay tin Trần Thị Vân (ở thôn 2, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) cùng gia đình đã rời khỏi địa phương đi đâu không ai hay. Bà Dung kể, do quen biết với mẹ Vân vì cùng là dân buôn bán tại chợ xã Cư Suê, nên vào tháng 9 - 2017 Vân đã đến nhà bà Dung để vay tiền. Theo lời giới thiệu của mẹ Vân thì Vân là người quen biết rộng rãi, nhất là cán bộ ngân hàng, nên có khả năng vay tiền cao hơn giá trị tài sản được cầm cố. Sau nhiều lần gặp gỡ, trò truyện Vân ngỏ ý mượn bà Dung 500 triệu đồng để đáo hạn ngân hàng và hứa sẽ trả lãi suất 3.000 – 4.000 đồng/ngày nên bà Dung đồng ý cho vay. Những lần đầu tiên, Vân trả tiền cho bà Dung rất đúng hẹn, có lần tới nhà còn mua quà tặng bà Dung để tạo niềm tin. Sau đó, Vân lại thủ thỉ với bà Dung rằng mình cần số tiền lớn để đáo hạn ngân hàng nên bà Dung đã vay mượn tiền mặt, sử dụng sổ đỏ của người thân, họ hàng để đứng ra vay tiền cho Vân. Đến nay, khi số tiền bà Dung cho Vân mượn lên đến hơn 7,5 tỷ đồng thì bà không thể liên lạc với Vân được.

Người dân huyện Cư M’gar kể lại sự việc với các cơ quan báo chí.
Người dân huyện Cư M’gar kể lại sự việc với các cơ quan báo chí.

“Khoảng mấy tháng gần đây Vân không trả tiền lãi cho tôi, khi tôi yêu cầu Vân trả tiền thì cô ta cứ hẹn tới hẹn lui, gọi điện thoại thì không liên lạc được. Nghi ngờ rằng mình bị lừa, tôi cùng nhiều người dân đến nhà mẹ ruột của Vân tại thôn 2, xã Cư suê và nhà riêng của Vân tại đường Trần Phú, TP. Buôn Ma Thuột thì thấy nhà cửa khóa kín không có ai ở, 2 căn nhà trên cũng đều đã được thế chấp ngân hàng. Từ khi biết tin Vân bỏ đi, chủ nợ kéo đến nhà tôi xiết nợ. Các tài sản có giá trị như xe tải, ô tô, xe máy… đều bị họ lấy hết. Tôi chỉ mong sao cơ quan chức năng sớm vào cuộc để điều tra, làm rõ sự việc. Nếu không bắt được Vân tôi e rằng sẽ còn nhiều người lại tiếp tục dính bẫy giống như chúng tôi, khi ấy hậu quả thật khó lường” – bà Dung chia sẻ.

Cũng giống như bà Dung, gia đình ông Lương Văn Sơn ( ở thôn 2A, xã Ea Mnang, huyện Cư M’gar) đang rơi vào bế tắc khi vay người thân số tiền 6,47 tỷ đồng cho Vân mượn. Ông Sơn kể, tháng 9 -2017, Vân có mượn gia đình ông 500 triệu đồng với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày và hứa rằng 10 ngày sau sẽ trả. Đúng hẹn, 10 ngày sau Vân đem tiền trả ông Sơn cả gốc lẫn lãi và lại mượn tiếp ông Sơn thêm 4 lần với tổng số tiền lên đến 6,47 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tiền lãi ông cũng không được nhận, tiền gốc cũng chẳng thấy đâu còn Vân thì lặn mất tăm.

Thông tin từ người dân cho hay, hầu hết họ chỉ là dân lao động, không có số tiền lớn cho vay nên Vân hướng dẫn mọi người thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng với giá trị cao hơn nhiều lần.  Mọi việc vay tiền ở ngân hàng đều do Vân thực hiện, người dân chỉ đứng ra ký nhận. Sau khi tiền được giải ngân Vân yêu cầu người dân đưa lại cho mình từ 16 triệu đến 100 triệu đồng tiền “hoa hồng” cho cán bộ ngân hàng, số còn lại cho Vân vay lại. Vì thấy Vân cùng cán bộ ngân hàng giải quyết các hồ sơ vay rất đơn giản và thuận lợi nên người dân hết sức tin tưởng và truyền tai nhau cho Vân mượn tiền.

Ông Trần Đây (thôn 4, xã Cư Suê) cho biết: “Thông qua cháu mình là Trần Thị Kim Dung, tôi đã đưa sổ đỏ cho Vân đến ngân hàng S. vay 500 triệu đồng để “kiếm lãi” và trả phí “hoa hồng” cho cán bộ ngân hàng hơn 20 triệu đồng theo lời Vân nói. Thực tế tài sản của gia đình tôi chỉ vay được từ 200-300 triệu đồng, nhưng không biết bằng cách nào Vân có thể vay gần gấp đôi số tiền, thủ tục vay rất nhanh gọn. Sau khi phát hiện Vân rời khỏi địa phương và người dân làm đơn trình báo cơ quan chức năng thì ngay lập tức cán bộ ngân hàng S. có đến hỏi thăm tình hình và động viên gia đình tôi bình tĩnh làm ăn trả nợ, nhưng chừng nào chưa tìm thấy Vân để làm rõ sự việc khi ấy tôi vẫn không thể ăn ngon ngủ yên được”.

Thống kê từ các hộ dân đã trình báo cơ quan chức năng về việc bị lừa đảo thì tổng số tiền hiện lên đến hơn 50 tỷ đồng, trong đó người bị bà Vân nợ nhiều tiền nhất là bà Nguyễn Thị Bến (thôn 2, xã Ea Mnang) với số tiền lên tới 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi Vân mất tích, gia đình bà Bến luôn bị chủ nợ vây hãm đòi nợ, bà Bến cũng không dám ở nhà mà phải tạm rời đi nơi khác vì không chịu được sức ép. Trước việc bà Vân đi khỏi địa phương, người dân đã thông qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng để truy tìm và treo thưởng cho ai tìm được. Thậm chí, họ còn nhờ một công ty đòi nợ để thu nợ giúp mình.

Theo ông Đặng Văn Hoan, chủ tịch UBND xã Cư Suê, xã đã cho công an xã kiểm tra nơi ở và xác định Vân vắng mặt khỏi địa phương. Xã cũng đã tiếp nhận thông tin người dân vay mượn, cầm cố tài sản đưa cho Vân để hưởng lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, trong thời gian sự việc đang được cơ quan chức năng làm rõ người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh trường hợp bị kẻ gian lợi dụng lừa thu hồi nợ dùm, hoặc giả mạo các cơ quan chức năng để trục lợi.

Không chỉ riêng huyện Cư M’gar, hiện nay đã có một số nạn nhân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho Vân vay tiền với hình thức tương tự cũng đang “kêu cứu”. Chính vì vậy, để không mắc bẫy của kẻ lừa đảo người dân cần tỉnh táo trước “miếng mồi” lãi suất cao tránh tình trạng “tiền mất, tật mang” không đáng có.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.