Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực giữ gìn an ninh trật tự ở Ea Nuôl

08:14, 01/04/2018

Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật ở thanh thiếu niên trên địa xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) diễn biến phức tạp, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh các biện pháp, kịp thời giải quyết triệt để những bất ổn, giữ vững an ninh trật tự.

Ông Nguyễn Duy Linh, Trưởng Công an xã cho biết, xã Ea Nuôl hiện có 1.398 hộ nghèo, chiếm 48,64% tổng số hộ dân với gần 50% dân số là người dân tộc thiểu số. Trong năm 2017, trên địa bàn xã Ea Nuôl đã xảy ra 35 vụ vi phạm pháp luật, trong đó trộm cắp tài sản 16 vụ, 11 vụ tai nạn giao thông và gây rối đánh nhau 8 vụ.

Nhìn chung các vụ đánh nhau gây rối chủ yếu là do mâu thuẫn giữa thanh niên các buôn trên địa bàn xã, xảy ra ở một bộ phận thanh thiếu niên bỏ học sớm, thiếu sự quản lý của cha mẹ, đua đòi với bạn bè. Lý do dẫn đến việc gây gổ đánh nhau rất đơn giản, sau khi tụ tập ăn nhậu thanh niên thường tập trung thành nhóm, khi thấy thanh niên ở buôn khác sang chơi hoặc đi ngang buôn mình thì thách thức, chặn đánh, từ đó dẫn tới mâu thuẫn kéo dài. Mặt khác, trong các dịp cưới hỏi, ma chay, theo phong tục người dân tộc thiểu số thường tập trung đông đủ các dòng họ tại các buôn. Sau khi sử dụng rượu bia, các nhóm thanh niên buông lời trêu ghẹo thiếu nữ của buôn khác rồi dẫn đến xung đột. Không chỉ gây rối, nhiều thanh thiếu niên còn tụ tập lạng lách đánh võng, nẹt pô, rú ga gây bất an trong quần chúng nhân dân. Hầu hết các thanh thiếu niên phạm tội tuổi đời dưới 22. Do nhận thức còn hạn chế, chưa hiểu biết được các quy định của pháp luật, đặc biệt là luật hình sự nên khi vi phạm các thanh niên này nghĩ rằng đánh người gây thương tích thì chỉ cần bồi thường là xong, hoặc đánh trả do tâm lý “ăn miếng trả miếng” nên dẫn đến cảnh kẻ tiền mất tật mang, người vào tù ra tội.

Công an xã Ea Nuôl hướng dẫn người dân ký cam kết giữ gìn an ninh trật tự.
Công an xã Ea Nuôl hướng dẫn người dân ký cam kết giữ gìn an ninh trật tự.
 

Để kiềm chế số vụ vi phạm do thanh thiếu niên gây ra nói riêng và gìn giữ an ninh nói chung, chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng công an xã cùng với các cơ quan, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hòa giải, cảm hóa và tháo gỡ những bức xúc ở cơ sở; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; nhân rộng mô hình bảo đảm an ninh trật tự như mô hình “ba an toàn” ở các buôn Niêng 1, 2,3; mô hình thanh niên tự quản an ninh trật tự…

 

 
Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl

Đơn cử như vụ việc làm nhục người khác và cố ý gây thương tích xảy ra ở buôn Ea M’tha 3 vào năm 2017, do thiếu hiểu biết về pháp luật một thiếu nữ đã cắt tóc và đánh đập chị dâu mình nhằm đánh ghen “dằn mặt” giúp anh trai. Sau khi bị cơ quan chức năng triệu tập và bị khởi tố vì tội làm nhục người khác và cố ý gây thương tích, buộc phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, cô em dâu mới “tá hỏa” vì trước đó cứ nghĩ rằng đơn giản đây chỉ là hành động giải quyết mâu thuẫn của gia đình, không vi phạm pháp luật.

Theo ông Nguyễn Duy Linh, với vai trò là lực lượng nòng cốt bảo đảm an ninh trật tự, thời gian qua, công an xã đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ban tự quản các buôn tuyên truyền phát động quần chúng tại các buôn, đưa các đối tượng vi phạm pháp luật ra kiểm điểm trước nhân dân. Vào tháng 9-2017, xã đã tổ chức phát động quần chúng tuyên truyền pháp luật và hòa giải mâu thuẫn giữa các thanh niên 7 buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, xã cũng phát huy vai trò của trưởng buôn, già làng, người có uy tín trong cộng đồng để phân tích những điều hay lẽ phải cho số thanh niên phạm tội; đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm kiềm giảm tình hình phạm tội trong thanh thiếu niên như tiếp tục quan tâm tạo việc làm cho những thanh niên thất nghiệp…

Tuy nhiên, với trình độ dân trí còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ trẻ hóa tội phạm có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là việc phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội hầu như vẫn còn có tư tưởng “khoán trắng” cho lực lượng công an thì việc nâng cao vai trò của gia đình, xã hội trong việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho bộ phận thanh thiếu niên tại địa bàn là điều vô cùng cần thiết.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.