Xử lý kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường: Vẫn còn gặp khó
Qua nhiều đợt ra quân xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị, tình trạng vi phạm chỉ tạm lắng, những người kinh doanh trái phép trên vỉa hè vẫn luôn tìm cách để đối phó với lực lượng chức năng.
Một trong những địa điểm thường xuyên bị lấn chiếm để làm nơi kinh doanh là Quảng trường10-3 và các tuyến đường lân cận. UBND TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức lực lượng liên ngành phối hợp cùng UBND phường Thắng Lợi và Tân Lợi thực hiện đợt ra quân lập lại trật tự đô thị kéo dài hơn 10 ngày tại khu vực này. Các trường hợp vi phạm đều bị lực lượng chức năng xử lý, trong đó có một số trường hợp chây ỳ, cố tình lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Khi bị xử lý, có trường hợp cự cãi, chống đối với lý do không nhận được thông báo ra quân lập lại trật tự đô thị trên tuyến đường này. Ông Huỳnh Thanh Hương, Chủ tịch UBND phường Thắng Lợi cho rằng, để tăng cường công tác quản lý trật tự tại Quảng trường 10-3, các cơ quan có thẩm quyền cần thiết ban hành nội quy, quy chế hoạt động riêng cho khu vực này, quy định rõ chức năng, các hành vi bị cấm và khung giờ được phép sử dụng không gian công cộng ở đây. Một mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, mặt khác, dựa vào đó UBND phường cũng như các lực lượng chức năng khác có căn cứ cụ thể để xử lý, bắt buộc người dân chấp hành.
Lực lượng chức năng lập biên bản xử lý vi phạm. |
Không chỉ riêng khu vực Quảng trường, một số tuyến đường khu vực chợ Tân An cũng là “điểm nóng” về trật tự đô thị khó xử lý trong nhiều năm qua. Dọc tuyến đường Ngô Quyền, Ngô Gia Tự, nhiều tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ các mặt hàng rau, củ, quả, trái cây vẫn thường xuyên lấn chiếm gần như toàn bộ vỉa hè và tràn xuống cả lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Mặc dù địa phương đã ra quân nhiều đợt, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nhưng khi thấy xe của lực lượng trật tự đô thị, người bán hàng nhanh chóng mang hàng hóa dạt vào sát bên trong vỉa hè; lực lượng đô thị vừa đi khỏi, họ lại mang hàng hóa bày bán tràn lan như cũ.
Ông Nguyễn Xuân Nở, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột cho biết, khó khăn hiện nay đó là việc xử lý vi phạm trật tự đô thị chỉ dừng ở mức tạm giữ tang vật, xử phạt vi phạm hành chính là chủ yếu. Những cá nhân vi phạm sau khi nộp phạt và nhận lại các vật dụng này lại tiếp tục tái phạm. Các hành vi lăng mạ, chửi bới, cản trở lực lượng chức năng chỉ mới dừng lại ở ngưỡng hành vi dân sự nên không thể truy cứu. Trong khi đó, nhiều nhóm người bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè đã có sự móc nối với nhau để theo dõi, đe dọa cơ quan chức năng và dùng mạng xã hội để gây áp lực lên lực lượng bảo đảm trật tự đô thị, gây ra những luồng thông tin sai lệch với chủ trương chung. Việc giáo dục, tuyên truyền trực tiếp đến những người thường xuyên kinh doanh lấn chiếm vỉa hè cũng gặp nhiều trở ngại bởi đa số họ đều sinh sống ở địa phương khác nên rất khó quản lý...
Lực lượng quản lý trật tự đô thị kiểm tra, xử lý đối với những hộ kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở khu vực chợ Tân An. |
Đối với quy chế hoạt động riêng cho Quảng trường như UBND phường Thắng Lợi kiến nghị, ông Nguyễn Xuân Nở cũng cho biết, UBND thành phố đã trình Sở Xây dựng xem xét quy chế quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột, trong đó có 1 chương liên quan đến quản lý hoạt động của Quảng trường. Sau khi được thông qua, UBND thành phố sẽ trích một số nội dung để niêm yết tại Quảng trường cũng như xây dựng bộ quy tắc ứng xử để lắp đặt các bảng tuyên truyền tại những nơi công cộng. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng như UBND phường Thắng Lợi hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý dựa vào các quy định chung của pháp luật để xử phạt đối với các hành vi kinh doanh trái phép, đậu đỗ xe không đúng quy định tại khu vực này.
Được biết, hiện nay UBND TP. Buôn Ma Thuột cũng đang tích cực hỗ trợ thực hiện các hình thức khởi nghiệp, khuyến khích việc kinh doanh có địa điểm, địa chỉ rõ ràng và bảo đảm các quy định về an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường... Đồng thời, thành phố đang nghiên cứu phương án hướng dẫn các phường tổ chức điểm bán hàng rong tập trung, ưu tiên giải quyết nhu cầu mưu sinh cho những hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tại địa phương. Tuy nhiên, nếu chính quyền cơ sở thiếu biện pháp giải quyết triệt để tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè thì khó lòng thay đổi thói quen kinh doanh tùy tiện của một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, nếu để tình trạng này kéo dài có thể sẽ phát sinh thêm nhiều hình thức chống đối, né tránh việc kiểm tra, xử lý khiến cho việc quản lý trật tự đô thị thêm phần khó khăn hơn.
Ngọc Khuê
Ý kiến bạn đọc